Tuyển sinh đại học Các ngành khoa học cơ bản đặc thù: Điểm chạm sàn nhưng vẫn khó thu hút người học
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:50, 19/09/2022
Xem thêm: Vì sao điểm chuẩn Báo chí, PR, Truyền thông đa phương tiện cao chót vót?
Điểm sáng ngành Sư phạm
Nhìn vào kết quả mùa tuyển sinh năm 2022, chúng ta dễ dàng nhận thấy các ngành Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng… vẫn là những ngành hot, có sức hút với đông đảo thí sinh khi điểm chuẩn gần “chạm trần”.
Điểm sáng phải kể đến là ngành sư phạm khi hầu hết các trường đều có điểm chuẩn ở mức cao hoặc tăng so với năm 2021. Nhiều ngành thí sinh phải đạt 29-30 điểm/3 môn mới có cơ hội đỗ.
Trong khi đó, điểm chuẩn ngành Y Dược giảm sâu, nhiều ngành, nhiều trường còn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Đặc biệt, các nhóm ngành khoa học cơ bản đặc thù của nhiều trường vẫn nằm trong top ngành có điểm chuẩn thấp nhất. Nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, quy hoạch, xây dựng, môi trường... có điểm chuẩn “chạm sàn”, chỉ khoảng 15 điểm/3 môn (tính cả điểm ưu tiên) nhưng vẫn không có người học.
Chẳng hạn, trong 23 chuyên ngành của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tại trụ sở chính Hà Nội có đến 9 chuyên ngành có điểm chuẩn ở mức 15. Đáng chú ý, đây đều là những ngành vốn được xem là thế mạnh đào tạo của nhà trường. Chẳng hạn như ngành: Quản lý biển, Khí tượng thủy văn, Thủy văn học...
Hay tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, một số ngành đào tạo chủ chốt, có truyền thống của nhà trường như: Kỹ thuật trắc địa - bản đồ, Địa kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật địa chất, Quản lý đất đai, Địa chất học… có điểm chuẩn chỉ đạt mức từ 15 điểm, thấp hơn 8 điểm so với điểm chuẩn ngành có đầu vào cao nhất.
Điểm chuẩn của Trường Đại học Thủy lợi năm nay theo xu hướng chung các ngành đều tăng. Nhưng điểm chuẩn những ngành khoa học đặc thù phục vụ cơ sở hạ tầng cho đất nước ở mức thấp nhất của trường như Kỹ thuật cấp thoát nước (17 điểm); Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (17,35 điểm); Kỹ thuật tài nguyên nước (17,35 điểm), thấp hơn khoảng 9 điểm so với ngành cao nhất của trường.
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các nhóm ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Quản lý đất đai và bất động sản, Thủy sản, Xã hội học lấy điểm chuẩn thấp nhất 15, tương đương với mức điểm chuẩn thấp nhất năm 2021.
Tương tự, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội... cũng có nhiều ngành lấy ở mức 15-16 điểm (tính cả điểm ưu tiên) nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút người học.
Thị hiếu đám đông, chạy theo ngành “hot”
Lý giải về việc điểm chuẩn của các ngành khoa học cơ bản đặc thù vẫn “giậm chân tại chỗ”, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, một phần nguyên nhân là do cách nhìn nhận, sự thấu hiểu về lĩnh vực nghề nghiệp, đặc thù công việc của thí sinh chưa sát khiến những ngành này không được ưa chuộng. Bên cạnh đó, phụ huynh, thí sinh cũng quan tâm đến những ngành nghề có cơ hội nghề nghiệp rộng mở thay vì bó hẹp ở 1 lĩnh vực nhất định.
Trao đổi với Lao Động, TS Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Thủy Lợi - cho biết, phần đa người học chưa thực sự “mặn mà” với các ngành nghề khoa học ứng dụng và cơ bản là do chạy theo thị hiếu “đám đông”, lựa chọn những ngành “hot”. Tiếp đến, nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của những khối ngành này.
Theo đó, trong những năm qua, nhà trường có nhiều chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra, nhưng vẫn không thu hút được người học. Điều đáng buồn là thị trường rất “khát” nhân lực nhưng nhà trường không đủ khả năng đáp ứng.
“Cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường ở những ngành đào tạo đặc thù rất rộng mở. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường không đủ khả năng cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước và không đủ sinh viên để giới thiệu với các doanh nghiệp nước ngoài hay đáp ứng được các đơn đặt hàng” - TS Thạc thông tin.
Bàn về vấn đề này, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, những năm gần đây, nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp rất “kén” người học, vì vậy điểm chuẩn nhiều ngành trọng yếu của nông nghiệp đều thấp.
Nguyên nhân là do nhiều người còn giữ quan niệm học nông nghiệp thì khó xin việc, hoặc chỉ có thể làm ruộng vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Không ít người chưa hiểu được tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành này là rất lớn.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, giới trẻ ngày nay nhìn nhận về nghề nghiệp khác so với trước đây. Thí sinh đã thực tế hơn nên xu hướng các em lựa chọn ngành học dễ tìm việc làm, thu nhập cao cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, ngành khoa học cơ bản học vất vả hơn, nhưng ra trường lại khó xin việc và thu nhập thường ở mức thấp.
Theo TS Khuyến, để thu hút người học, thay vì ngồi chờ thí sinh, các trường cần chủ động hơn trong việc truyền thông về hướng nghiệp; tăng cường liên kết với các tổ chức doanh nghiệp để gắn khoa học với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.