Vì sao điểm chuẩn Báo chí, PR, Truyền thông đa phương tiện cao chót vót?

Nhịp sống - Ngày đăng : 11:06, 18/09/2022

Một vài năm gần đây nhiều ngành học thuộc khối Xã hội như Báo chí, Quan hệ công chúng (PR), Truyền thông đa phương tiện… đã trở nên “hút” thí sinh đăng ký xét tuyển đại học với mức điểm chuẩn cao chót vót. Theo lý giải của các chuyên gia, xu hướng ngành nghề đang có sự thay đổi rõ rệt sẽ quyết định tới tuyển sinh đại học.
Vì sao điểm chuẩn Báo chí, PR, Truyền thông đa phương tiện cao chót vót?
Điểm chuẩn ngành Báo chí, PR "lên ngôi", gần 10 điểm/môn mới đỗ. Ảnh: NV

Tỉ lệ chọi cao 

Năm học 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội giữ mức điểm chuẩn cao nhất toàn quốc. Dù không có ngành đạt điểm 30 điểm/3 môn như 2 năm gần đây nhưng vẫn khiến không ít thí sinh điểm cao thất vọng. Cụ thể, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, cùng lấy 29,95 điểm. Kế tiếp, ngành Báo chí khối C00 là 29,90 điểm.

Ở phía Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM cũng công bố điểm chuẩn cao nhất là ngành Báo chí (tổ hợp C00) với 28,25 điểm. 10 ngành có tổ hợp điểm chuẩn cao nhất gồm: Báo chí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Tâm lý học, Quản lý thông tin, Quản trị văn phòng, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Việt Nam học.

Như vậy, nếu không xét điểm ưu tiên thì thí sinh phải đạt trung bình khoảng 9,5 đến 10 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển.

Nhiều trường đại học khác cũng tăng cường nhân lực và cơ sở vật chất cho các ngành này với lượng thí sinh đăng ký hồ sơ lớn.

Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến điểm chuẩn tăng cao là do chỉ tiêu các ngành chỉ vài chục nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký tới vài nghìn.

Ví dụ như ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội có tổng chỉ tiêu là 55 với 3 phương thức xét tuyển. Trong khi đó, trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Như vậy, sau khi trừ đi số thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển thẳng và xét kết quả thi đánh giá năng lực, tỉ lệ chọi của tổ hợp này ở ngành Báo chí tương đương 1 chọi trên 50.

Xu hướng nghề nghiệp thay đổi

Nhận định về nguyên nhân các ngành này bỗng tăng sức nóng trong vài năm gần đây, ThS Trần Nam – Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng đây là xu hướng tự nhiên.

"Các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý luôn chiếm một tỉ lệ đáng kể người học trong xã hội và điều này là xu hướng rất tự nhiên. Trong số các ngành Khoa học Xã hội có tính ứng dụng cao hiện nay có thể kể đến các ngành liên quan đến kỹ năng viết, biên tập, sáng tạo nội dung và các ngành như Báo chí, PR, Văn học, Ngôn ngữ học, Quảng cáo...”, ông Nam chỉ ra.

Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh
Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: NV

Ông Nam cũng nhận định xu hướng nghề nghiệp của sinh viên ngành Báo chí tại Trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy rất đa dạng trong thế giới nghề nghiệp của ngành Truyền thông.

Ngành Báo chí luôn nằm ở nhóm các ngành có nhiều bạn trẻ yêu thích vì tính ứng dụng cao của ngành này. Bên cạnh việc làm việc cho các cơ quan báo chí, truyền hình, phát thanh thì cử nhân Báo chí có thể làm việc tốt trong nhiều lĩnh vực khác như truyền thông nội bộ, sáng tạo nội dung, biên tập, quản trị hệ thống truyền thông của tổ chức, quản trị thương hiệu, quảng cáo, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện...

Cùng với đó, năm 2022, phổ điểm của tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cao hơn 2021 vì môn Lịch sử có điểm cao hơn và điều này kéo theo điểm chuẩn của tổ hợp C00 tăng.

“Mức thu nhập khởi điểm của các chuyên ngành trên nếu làm việc trong khu vực ngoài nhà nước thường cao hơn, tầm 10-12 triệu đồng. Sau đó, mức lương tăng cao tuỳ năng lực của mỗi người”, ThS Trần Nam bày tỏ.

Còn theo NCS.ThS Phạm Tấn Thông - Giám đốc chương trình ngành Đông Phương học, Trường Đại học Gia Định, trước đây khi mà nói học ngành Khoa học Xã hội, chúng ta nghĩ rằng ở trường học ngành nào thì tốt nghiệp sẽ làm như thế. Nhưng ở thế kỷ 21 này và trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay với sự hợp tác đa phương của Việt Nam trên trường quốc tế thì sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Xã hội có những cơ hội khác trong lĩnh vực về kinh tế, xã hội như: Đông phương học, Marketing, Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ chông chúng, phiên dịch, nhân viên văn phòng, trợ lý, thư ký giám đốc, ngoại giao, giảng dạy, nghiên cứu...

“Rất nhiều ngành có phạm vi công việc rộng mở, quan trọng là các em chọn đúng ngành nghề phù hợp với mình và đam mê, quyết tâm theo đuổi nó" - ThS Phạm Tấn Thông lưu ý.