Vụ chồng chém lìa tay vợ: Đừng chọc giận người đàn ông bị phản bội
Gia đình - Ngày đăng : 14:41, 17/09/2022
Ai đó từng nói, cảm xúc của bạn như thế nào là tùy thuộc vào vị trí bạn đang đứng. Đứng trên núi cao khác với giữa lòng thung lũng, đứng giữa cánh đồng đón nắng gió khác dưới bóng cây che.
Là người đàn ông, tôi hiểu cảm giác của người chồng bị cắm sừng ở Đồng Nai. Lúc gây ra hành động bạo lực rùng rợn, anh đang ở tột đỉnh cơn điên. Trong cơn điên ấy, bất kỳ một câu nói, thái độ hành xử nào từ đối phương cũng trở thành chất xúc tác khiến anh ta mất hết kiểm soát rồi xuống tay không khác gì một kẻ giang hồ.
Khi xem clip vụ việc, vợ tôi đã gào lên: "Rõ ràng người “đốt nhà” lúc ấy là người nhân tình vô liêm sỉ kia. Hắn mới là người cần phải bị trừng trị đích đáng, sao không đi tìm hắn để xử lý mà lại dồn tất cả sự tức giận vào người vợ đầu ấp tay gối bao năm với mình?"
"Vì lúc đó, điều người chồng cần làm ngay lập tức là xả van cơn hận, cô vợ lại là người đang ở vị trí gần nhất để anh chồng có thể xuống tay. Cơn điên của anh ta đến quá nhanh và mạnh khiến việc đi tìm tình địch để xả trở nên xa vời", tôi đáp.
Mỗi người đều từng có những lúc mất kiểm soát cảm xúc và hành vi (Ảnh minh họa) |
Một tài liệu nghiên cứu về tâm lý con người mà tôi từng tham khảo có ghi rõ: “Trong ngày, mỗi người đều có một khoảng thời gian “nổi điên” nhất định, tùy theo nguyên nhân, bối cảnh, trạng thái tâm sinh lý mà mức độ mất kiểm soát hành vi trong cơn điên của người đó sẽ diễn ra như thế nào. Và để tránh những hậu quả đáng tiếc, mỗi người chỉ cần vượt qua được vài khoảnh khắc bất ổn đó là bình yên.
Với sự việc ghen tình rúng động kia, tất nhiên tôi không theo phe đám đông vào ném đá người phụ nữ khi cô ấy đang gánh quá nhiều bi thương, bức hại về thể xác lẫn tinh thần, tuy nhiên tôi cũng có một phần nhỏ nào đó hiểu được cảm xúc và phần bản năng gây ra hành động tàn khốc của anh chồng. Bởi nhiều người từng nói, đàn ông chỉ như những đứa trẻ to xác. Nếu không được giáo dục, rèn luyện, trong những lúc nóng giận, trái ý, họ sẵn sàng gây ra những hành động khôn lường chỉ để thỏa mãn cảm xúc.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn ám ảnh mãi về một vụ việc xảy ra cách đây mấy mươi năm. Trong xóm tôi lúc đó, có cậu bé Pha là cao lớn nhất xóm. Pha thường xuyên ỷ mạnh hiếp yếu, ngoài ra, bạn còn bày thêm nhiều chiêu trò để thao túng tâm lý khiến hội bạn hùa vào trêu chọc một bạn bé nhất có tên thường gọi là cu Ti.
Một buổi trưa, khi Pha lại định dở trò thì cu Ti lắp sỏi vào ná thun, nhắm thẳng mắt Pha mà bắn. Pha mù mắt. Thời gian trôi qua, mọi người dần quên đi những bất công, ức hiếp vô lý mà Pha đã gây ra cho cu Ti, chỉ có con mắt không nhìn thấy ánh sáng của Pha là ngày ngày hiển hiện.
Suốt cuộc đời về sau, không chỉ bản thân cu Ti mà cả gia đình, dòng họ của cu Ti đều cảm thấy tội lỗi, mắc nợ gia đình Pha. Họ tìm mọi cách để bù đắp, nhưng con mắt tật đã khiến cuộc đời Pha khiếm khuyết, sang trang mất rồi.
Ở đời, già néo thì đứt dây, nên để đừng “đứt dây” thì trong quá trình sử dụng, hai người cầm đầu sợi dây phải lắng nghe, quan sát nhau để co - kéo thật vừa phải. Giá mà cu Ti đừng im lặng, dồn nén và chịu đựng, hãy nói ra những bất công, cảm giác của mình. Tương tự thế, trong vụ việc thương tâm kia, giá mà đôi vợ chồng trẻ mỗi ngày đều biết chia sẻ, quan sát lẫn nhau thì mọi việc không đến nỗi ập đến bất thình lình như thế.
Tôi đã tự hỏi, nếu một ngày kia, đang yên đang lành, người vợ mình hết lòng thương yêu, chiều chuộng bỗng dưng sinh tật, quan hệ ngoài luồng bừa bãi với gã trai lạ, rồi gã đó gửi những hình ảnh thân thiết của cặp đôi và thách thức, tôi sẽ hành động thế nào? Không khí xung quanh khi tôi đang tột đỉnh cơn điên sẽ mang màu sắc gì? Tim tôi có đập bình thường không, hay tăng lên 200 nhịp một phút?
Với người đàn ông đang bị phản bội, câu “vì anh không thương em” chính là một “can xăng” khiến ngọn lửa càng bùng lên, thiêu rụi mọi thứ thành tro tàn. Không thương mà sống được với nhau, sinh con đẻ cái? Không thương sao không nói ra, chọn phương pháp khác mà lại đi ngoại tình?
Vợ chồng tôi chia sẻ mỗi ngày để tránh tình trạng dồn nén "tức nước vỡ bờ" (Ảnh minh họa) |
Vợ chồng tôi hiện có hai con nhỏ. Vợ tôi nhỏ bé nhưng công việc chồng chất, bản thân tôi áp lực cuộc sống cũng rất lớn. Thế nhưng chúng tôi luôn giữ và tạo ra thói quen nói chuyện, chia sẻ cùng nhau đều đặn hàng ngày. Mọi bức xúc, giận dỗi nhau sẽ như dòng nước đến cuối ngày sẽ rỉ ra, chứ không dồn nén lại, cảnh báo một tình trạng vỡ bờ.
Sau vụ việc thương tâm ở Đồng Nai, tôi học được bài học: “Nổi giận là bản năng, giữ được bình tĩnh mới là bản lĩnh”. Dù bị cắm sừng, hay còn điều gì tồi tệ hơn thế, điều cần giữ vẫn là đạo đức, lương tâm và hậu vận của mình.
Đàn ông, đừng cho phép mình nổi giận như một đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới. Đã là những người cha, người chồng trưởng thành, chúng ta có đầy đủ tư cách pháp nhân nên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì những hành động sai trái.
Phải kiềm chế sự giận dữ, để sau này không phải sống với cảm giác tội lỗi, mắc nợ bất kì ai.
Trần Kiên