Viêm phổi do virus adeno có thể trở thành dịch, tăng lên sau dịch sởi, cúm
Tin Y tế - Ngày đăng : 07:45, 17/09/2022
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung tâm đang điều trị cho 25 bệnh nhân viêm phổi do adeno, trong đó khoảng 15 bệnh nhân thở ôxy nhưng không có bệnh nhân nào nặng.
Các bệnh nhi nhiễm virus adeno đa số điều trị khỏi bệnh trong vòng 10 ngày đến 2 tuần. Bệnh nhân tử vong rất ít xảy ra và xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như mắc bệnh nền, suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mãn tính…
PGS Hanh cho hay, với cơ địa khỏe mạnh, người mắc virus adeno có thể tự khỏi nhưng với bệnh nhân bệnh nền, sức đề kháng kém dễ suy hô hấp, nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị sớm, người bệnh có thể tử vong.
"Hầu hết bệnh nhân nhiễm adeno vào Trung tâm Hô hấp đều có viêm phổi, khó thở hoặc suy hô hấp. Đầu tháng 8.2022 đến nay, trong số hơn 70 bệnh nhân vào trung tâm thì hầu hết viêm phổi nặng, trong đó 30-40% suy hô hấp"- PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh nói.
Nhiều nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy, viêm phổi do virus adeno có thể trở thành dịch và những dịch này thông thường hay tăng lên sau các đợt dịch sởi, cúm.
"Việt Nam vừa trải qua dịch COVID-19, cúm A vì vậy khả năng tỉ lệ viêm phổi do adeno tăng cũng phù hợp"- PGS.TS Hồng Hanh nói.
Viêm đường hô hấp do virus này rất hay gặp. Virus adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người.
Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Bệnh do virus adeno có thể xảy ra quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông và ở mọi lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc. Ở trẻ em, bệnh hay gặp ở trẻ 6 tháng đến 5 tuổi.
Với người khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi nhưng với những bệnh nhân có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém có thể gây suy hô hấp hoặc nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trước đó, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tính đến ngày 12.9, tổng số ca nhiễm virus adeno được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn tổng số ca bệnh cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ. Trong đó, đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm virus adeno.
Triệu chứng viêm phổi do adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Các triệu chứng là bệnh nhân hắt hơi, sổ mũi, sốt. Đặc biệt viêm phổi do Adeno khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, có ho, khò khè.
Các tổn thương thường gặp nhất do mắc virus adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não, màng não...