Chuyên gia khuyên cha mẹ không nên hoang mang bệnh do virus Adeno

Tin Y tế - Ngày đăng : 13:43, 16/09/2022

TPHCM – Những ngày qua tại một số tỉnh khu vực phía Bắc liên tiếp ghi nhận 6 trẻ tử vong vì biến chứng của virus Adeno. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá tình hình tại phía Nam, phụ huynh không nên quá hoang mang vì đây là virus xuất hiện mỗi năm.

Tại Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM, số bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp vẫn nhập viện nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi đề cập đến bệnh nhi mắc virus Adeno, các bác sĩ cho rằng, để xác định được cần thực hiện xét nghiệm mới có thể biết chính xác.

Theo BS.CKII Trần Quỳnh Hương – Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, hiện tại nhiều bệnh viện tại thành phố vẫn chưa có hệ thống xét nghiệm. Đa phần các bệnh nhi nhập viện đều được chẩn đoán lâm sàng. Virus Adeno nguy hiểm tuỳ từng chủng virus đang xâm nhập trẻ như: Trẻ bị đau mắt đỏ, viêm phổi nặng, viêm kết mạc…. khi mắc thêm virus Adeno tỉ lệ chuyển nặng sẽ cao. Nhưng cũng không ít trường hợp chỉ thoáng qua, không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của trẻ.

Bác sĩ Quỳnh Hương cho biết: "Trong đợt này bệnh nhi mắc virus Adeno không ồ ạt như trước. Cách đây mấy năm có một đợt nhiều bệnh nhi bị sơ phổi nên khi bị virus Adeno tấn công đã để lại di chứng về sau".

Theo các chuyên gia dịch tễ, Adeno virus là một loại virus khá kinh điển của bệnh hô hấp. Bệnh này có nhiều loại virus tấn công trẻ bất cứ lúc nào. Một số các loại virus phổ biến như: Adeno virus, virus cúm, sởi ... Tuy nhiên việc chuyển nặng hay nhẹ vẫn phụ thuộc vào cơ địa của từng trẻ. Phụ huynh không nên quá hoang mang mà cần tỉnh táo để phát hiện kịp thời và phòng lây nhiễm cho trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho biết: “Adeno virus có nhiều mức độ khác nhau, có thể làm lây từ người này sang người khác, khi tấn công con người làm viêm hô hấp trên. Triệu chứng khởi phát thường thấy là nóng, ho, sổ mũi. Một số trường hợp bị đau mắt đỏ hàng loạt, ho kéo dài 2-3 tuần không hết”.

Dưới góc độ dịch tễ hằng năm, đối với những trẻ có cơ địa bị hen suyễn, chậm phát triển, đường hô hấp thường xuyên bị ứ lại làm viêm phổi, điều này sẽ làm nặng hơn trình trạng hô hấp và trẻ có thể bị bội nhiễm. 

Virus Adeno thường xảy ra từ tháng 9-12 khi đến mùa bùng phát. Hằng năm vẫn có ghi nhận nhiều trẻ bị viêm phổi đến tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo, virus Adeno có cơ chế lây lan qua giọt bắn, trên các mặt phẳng, đồ chơi, tay nắm cửa… gây ra bệnh lý cho virus Adeno. Tỉ lệ trẻ mắc bệnh và chuyển nặng nhiều hơn người lớn vì trẻ chưa có miễn dịch. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi mắc virus Adeno rất phổ biến.

Phương pháp điều trị hiện nay, theo BS Khanh, dù xét nghiệm trẻ có hay không nhiễm virus Adeno vẫn được điều trị như những bệnh nhân viêm phổi khác. Hiện nay, virus Adeno không có có thuốc đặc trị, thường điều trị theo triệu chứng không để suy hô hấp, cung cấp đủ nước, dinh dưỡng. Nếu bệnh nhân nặng thì thở máy và thở các phương pháp cao hơn. Đặc biệt không nên để bội nhiễm sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

NGUYỄN LY