Lãi khủng, 'ông lớn' lọc dầu vẫn muốn giảm công suất dự án Dung Quất mở rộng

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 11:23, 16/09/2022

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của BSR gấp gần 9 lần kế hoạch, nhưng BSR vẫn muốn giảm công suất Dự án Dung Quất mở rộng xuống thấp hơn kế hoạch Thủ tướng phê duyệt.

Giữa tuần qua, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về việc thực hiện kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương đối với doanh nghiệp.

Trong đó, đáng chú ý là việc Bộ Công Thương đề nghị BSR thúc đẩy quá trình chuẩn bị đầu tư, phục vụ quá trình thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, trong bối cảnh BSR vừa thay đổi phương án mở rộng.

Cần phải nhấn mạnh rằng, kế hoạch mở rộng quy mô Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 148.000 thùng/ngày lên thành 192.000 thùng/ngày trước đó đã được Thủ tướng thông qua. Tuy nhiên trong kịch bản mới cập nhật, BSR đề nghị điều chỉnh dự án từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày - thay vì 192.000 thùng/ngày như đã được phê duyệt.

Liên quan đến vấn đề này, hôm 2/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã có văn bản gửi đến BSR. Theo đó, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo nghiên cứu, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng mức đầu tư mới là hơn 1,2 tỷ USD. Kế hoạch vốn cho dự án dự kiến là 40% vốn chủ sở hữu, số còn lại là vốn vay. Đây là kế hoạch được đơn vị tư vấn (Wood - Vương quốc Anh) nghiên cứu và hoàn thành báo cáo.

Đề xuất hạ kịch bản mở rộng và nâng công suất nhà máy diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận và doanh thu của BSR tăng kỷ lục, trong khi nguồn hàng xăng dầu trong nước lại khó khăn.

Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của BSR đạt hơn 87.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 12.444 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu gần 49.000 tỷ đồng. Riêng mức lợi nhuận nửa đầu năm 2022 đã xấp xỉ 50% của tổng mức lợi nhuận sau thuế cả thời kỳ 10 năm trước đó cộng lại.

Thế nhưng, tại tài liệu trình lên ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra ngày 22/4, BSR đặt mục tiêu kế hoạch tổng doanh thu trong năm 2022 là 91.411,5 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1.401 tỷ đồng; giảm lần lượt 9,5% và 79% so với thực hiện năm 2021. Đây là kết quả lập ra theo phương án giá dầu thế giới đạt 60 USD/thùng.

BSR đề nghị điều chỉnh phương án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép

Trong văn bản giải trình của BSR gửi lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước, mức tăng giá dầu thô đầu năm 2022 tăng mạnh nhất trong nhiều năm qua. Giá dầu thô bình quân từ 74,1 USD/thùng ở thời điểm tháng 12/2021 tăng lên 87,22 USD/thùng vào tháng 1/2022 và tiếp tục tăng lên đến 123,7 USD/thùng vào tháng 6/2022. Nhờ đó, giúp BSR có nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, trên thế giới, nhiều dự báo của các tổ chức cũng như chuyên gia kinh tế cho thấy, giá dầu thô từ nay đến cuối năm, kéo sang đến đầu năm 2023 vẫn duy trì ở mức 100 USD/thùng. Cùng với đó, khả năng nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn và tăng trưởng sản lượng dầu thô chậm hơn dự kiến sẽ tiếp tục tạo ra tiềm năng giá dầu cao hơn.

Nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ vẫn vật lộn với lạm phát tiếp tục tăng. Nhiều khả năng sắp tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh tiếp lãi suất lên 75 điểm cơ bản. Do đó, nguy cơ giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục tăng.

Với mức dự báo như vậy, BSR rất có nhiều cơ hội hưởng lợi mức giá cao của dầu thô từ nay đến cuối năm 2022, thậm chí sẽ tiếp tục lãi khủng đến sang quý đầu năm 2023.

Nếu theo tiến triển giá dầu như hiện nay, khả năng cao lợi nhuận của BSR từ nay đến cuối năm sẽ đạt mức tương đương 6 tháng đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/9, cổ phiếu BSR đạt 24.200 đồng/cp, giảm 23% sơ với mức đỉnh hồi giữa tháng 6.