Những ngã rẽ của Grab trên thị trường giao đồ ăn
Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:20, 16/09/2022
Dịch Covid-19 là thời kỳ bùng nổ của các doanh nghiệp giao đồ ăn Đông Nam Á, trong đó Grab là một trong các hãng thành công nhất. Dù vậy, khi cuộc sống dần trở lại bình thường, họ buộc phải điều chỉnh để thích ứng. Nửa đầu năm nay, Grab đã lỗ ròng hơn 1 tỷ USD.
Theo hãng phân tích Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của 6 thị trường giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á năm 2021 là 15,5 tỷ USD. Grab chiếm 49% thị phần, tiếp theo là Foodpanda (22%), GoTo – công ty mẹ Gojek (14%). Malaysia là nước duy nhất Grab không đứng đầu mà nhường chỗ cho Foodpanda (48% so với 49% thị phần).
Địa phương hóa các dịch vụ tại mỗi nước là chìa khóa dẫn đến thành công. Grab đã mở rộng từ app gọi xe ban đầu thành một siêu ứng dụng. Công ty tăng trưởng thị phần thông qua chiến lược địa phương hóa, ra mắt các ứng dụng dùng ngôn ngữ bản địa, tùy biến giao diện và chức năng thanh toán cho phù hợp.
Tính năng gọi món trên Grab (trái) và Foodpanda (Ảnh: Nikkei) |
Năm 2018, Grab mua lại hoạt động của Uber Đông Nam Á. Thông qua thỏa thuận, Grab sở hữu mạng lưới của UberEats trên toàn khu vực cũng như các chuyên gia về giao đồ ăn. Những tài sản quý giá giúp Grab triển khai dịch vụ giao đồ ăn riêng của mình.
Dù có nguồn gốc châu Âu, Foodpanda lại tiên phong trên phân khúc giao đồ ăn Đông Nam Á, tiến vào từ năm 2012. Tháng 3/2021, công ty mẹ Delivery Hero hoàn tất thâu tóm Woowa Brothers, đơn vị vận hành app giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc Baemin. Baemin cũng đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Indonesia, nơi xe ôm vô cùng phổ biến, Foodpanda lại thất thế trước đội xe hai bánh của Gojek và phải đóng cửa vào năm 2016. Foodpanda rút khỏi Việt Nam trong năm 2015.
Hãng phân tích Frost & Sullivan dự báo thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á có thể đạt 49,7 tỷ USD năm 2030, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2021. Các dịch vụ vận chuyển, quảng cáo và “ăn theo” khác sẽ phát triển.
Với tiềm năng lớn, nhiều “lính mới” tiếp tục tham gia vào thị trường này. Tập đoàn Sea – công ty mẹ Shopee – đang hoạt động tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng làm việc, học tập ở nhà giảm dần đã bắt đầu ảnh hưởng đến những người chơi. GMV bộ phận giao hàng của Grab trong quý II đạt 2,47 tỷ USD, thấp hơn so với kỳ vọng. GMV cả năm dự kiến tăng trưởng từ 21% đến 25%, giảm so với mức 30% đến 35% dự báo trước đây.
Chia sẻ với Nikkei, một lãnh đạo Grab cho biết, công ty dự đoán nhu cầu giao đồ ăn sẽ giảm.
Các nền tảng đang đẩy nhanh mở rộng mạng lưới logistics và tương tác khách hàng để có thêm nhiều người dùng hơn. Tháng 1 năm nay, Grab mua lại chuỗi siêu thị cao cấp Jaya Grocer của Malaysia. Tháng trước, startup bắt tay với Coca-Cola để tiếp cận nhiều dòng sản phẩm và cửa hàng đối tác hơn.
Grab dự định nâng cấp gói thuê bao hàng tháng hiện ở giai đoạn thử nghiệm. Chương trình hướng tới những người thường xuyên sử dụng app. Trong khi đó, Foodpanda định vị dịch vụ B2B cho các nhà hàng là một nguồn thu chính. Công ty đang cân nhắc phát triển phần mềm cho các nhà cung ứng thực phẩm và nhà hàng. Theo CEO Jacob Angele, “vẫn còn nhiều thứ để làm ở khía cạnh thực phẩm”.
GoTo tập trung nguồn lực tại quê nhà Indonesia. Tháng 7/2021, Gojek bán hoạt động tại Thái Lan cho Capital A. Tháng 8, GoTo tích hợp chức năng giao đồ ăn của Gojek vào ứng dụng mua sắm trực tuyến Tokopedia.
Cạnh tranh bằng giá khiến cho các doanh nghiệp giao đồ ăn vẫn thua lỗ, do đó cắt giảm chi phí vận hành là giải pháp cấp thiết. Grab chiếm lĩnh thị trường bằng các chương trình giảm giá mạnh và khuyến mãi khác nhau. Song lần này CEO Anthony Tan cam kết “tăng tốc lộ trình lợi nhuận”. Nửa đầu năm nay, Grab lỗ ròng hơn 1 tỷ USD. Dù khoản lỗ thấp hơn so với mức 1,4 tỷ USD một năm trước, cổ phiếu Grab vẫn giảm còn 1/4 so với giá khi lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) hồi tháng 12/2021.
Foodpanda “tháo chạy” khỏi Nhật Bản vào tháng 1 sau hơn một năm gia nhập thị trường. Công ty quyết định dồn lực vào các thị trường chính ở Đông Nam Á.
Các hãng giao đồ ăn còn đối mặt với thách thức từ các nhà quản lý. Khi Uber đồng ý chuyển giao tài sản Đông Nam Á cho Grab, Singapore đã phạt cả hai. Khi Delivery Hero mua lại Woowa Brothers, Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc buộc họ phải bán Delivery Hero Korea, app giao hàng lớn thứ hai trong nước.
Bên cạnh đó, nhân viên giao hàng – những người làm nên thành công của app – lại phải chịu điều kiện làm việc không ổn định. Tháng 8/2021, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, chính phủ có kế hoạch hỗ trợ những người lao động này và gọi tên các công ty tuyển dụng họ.
“Tôi đặc biệt quan ngại về một nhóm cụ thể. Đó là những nhân viên giao hàng. Họ làm việc với các nền tảng trực tuyến như Foodpanda, Grab hay Deliveroo”, ông phát biểu.
Du Lam (Theo Nikkei)