Thành công Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2022: Lan tỏa và phát huy nét đẹp của người dân miền biển
Du lịch online - Ngày đăng : 06:50, 16/09/2022
Bản sắc văn hóa của người dân miền biển
Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Qua các truyền thuyết và thần tích ở Đồ Sơn thì những vị tổ đầu tiên lập nghiệp đã chọn nghề đánh cá. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn thủa sơ khai, con người tự tìm một đấng quyền uy linh thiêng làm chỗ dựa.
Người dân Đồ Sơn vẫn truyền nhau sự tích lễ hội chọi trâu: Một đêm rằm tháng 8, dân miền biển Đồ Sơn nhìn thấy một tiên ông đang say sưa ngắm hai chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc. Từ đó, Hội chọi trâu trở thành nguồn cội trong đời sống tâm linh người Đồ Sơn. Thời điểm chính mở hội là ở bước chuyển từ vụ cá nam sang vụ cá bắc, là lúc ngư nhàn ít mưa bão.
Một nét độc đáo của Hội chọi trâu Đồ Sơn là dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hòa.
Từ nguồn gốc ấy có thể thấy rằng lễ hội chọi trâu có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống người Đồ Sơn từ xưa tới nay. Ngoài nhu cầu vui chơi, tìm hiểu, qua lễ hội người ta tưởng nhớ đến công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, để cầu nguyện cho “nhân khang, vật thịnh”. Do đó, Lễ hội Chọi trâu không chỉ đơn thuần “hai ông trâu chọi” mà nó đã trở thành tục lệ, tín ngưỡng độc đáo của người dân miền biển Đồ Sơn.
Các cụ cao niên ở Đồ Sơn kể lại, cứ vào tháng tám, khi lúa ngoài đồng vào thì con gái, ngư dân cũng vừa kết thúc mùa cá, thì người dân Đồ Sơn bắt đầu chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu. Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Phần lễ vẫn giữ nguyên những nghi thức truyền thống với các nghi lễ trang trọng, mở đầu là lễ tế thần Điểm Tước, sau đó là lễ rước kiệu bát cống, long đình cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm dẫn trâu đi trình thành hoàng làng.
Phần lễ chủ yếu diễn ra trước phần hội mấy ngày trong một thế giới tâm linh kỳ diệu. Trước kia, lễ tế thần diễn ra ở tất cả các giáp của tổng Đồ Sơn với sự linh đình về vật lễ tế cũng như các thủ tục hành lễ. Giờ đây, việc tế thần được tổ chức ở từng phường, đa phần là do các già làng làm chủ lễ, để cầu xin khí thiêng của sông núi, đất trời và vùng biển này cho được thắng cuộc chọi trâu ngày hôm sau.
Phần hội diễn ra vào chính hội (9/8) với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Điệu múa khai hội được 24 tráng niên chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la.
Theo cách nói của các lão làng, tiếng trống, tiếng thanh la có tác dụng tạo không khí trong sân bãi thúc giục các “ông trâu” thi đấu thêm phần quyết liệt. Tiếng trống phải to, người đánh trống phải có sức dẻo dai, đồng thời phải biết cách đánh trống sao cho những tiếng “tùng, tùng, cắc, cắc-cắc, tùng, tùng” quyện vào nhau lúc khoan thai, lúc dồn dập cao trào như khích lệ các “ông trâu” phải làm cho ra nhẽ cái sự thắng thua.
Một nét độc đáo của Hội chọi trâu Đồ Sơn là dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người ta cũng tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.
Giữ gìn bản sắc văn hoá của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại và được Nhà nước xác định là 1 trong 15 lễ hội quốc gia, bởi lễ hội này không chỉ có giá trị văn hoá, tín ngưỡng, độc đáo mà còn là điểm du lịch hấp dẫn với mọi người.
Lễ hội được khôi phục, mở rộng quy mô qua mỗi năm. Năm 1991, từ chỗ chỉ có 6 trâu vào vòng chung kết. Các năm tiếp theo, số trâu tham gia chọi và vào vòng chung kết tăng dần. Đến nay, số trâu vào vòng chung kết lên tới 16 trâu. Qua nhiều năm tổ chức, những nét cơ bản của tập tục cũ gắn với quan niệm tín ngưỡng thể hiện lòng biết ơn những ngư dân đầu tiên có công lập tám vạn chài bên các cửa sông Lạch Tray và Văn Úc, khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẫn còn giữ nguyên.
Hiện nay, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn mang đậm bản sắc và đầy đủ các nghi thức truyền thống dân gian: Rước kiệu và long đình, bát biểu; hành lễ tế thành hoàng làng, dùng trang phục cổ và nhạc cụ dân tộc, tặng thưởng cao chủ trâu và trâu thắng trong trận cuối cùng đoạt ngôi vô địch. Tuy nhiên, cũng có những cải biến nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới và lễ hội ngày càng thu hút đông đảo khách trong nước và khách quốc tế về xem hội.
Lệ cũ Đồ Sơn là tính số trâu chọi theo đóng góp suất đinh của các giáp, kèm những kiêng kỵ khe khắt. Không giao trưởng giáp có tang nuôi trâu và không để phụ nữ chăn dắt trâu. Số trâu chọi ở Đồ Sơn thời trước nhiều nhất là 12. Nay, là các đơn vị kinh tế và một hộ hoặc vài hộ gia đình tự nguyện đảm nhiệm, ít vướng mắc trong những quy định gò bó. Chủ các trâu chọi không tính toán đơn thuần về kinh tế.
Mục tiêu là hướng vào góp phần gìn giữ di sản của cha ông, tạo không khí hội hè vui vẻ và có trâu thắng là một vinh dự lớn. Tính vô tư, sòng phẳng, công khai và dân dã của hội chọi trâu là đặc điểm nổi bật. Xưa, chỉ có một giải duy nhất là khẩu xăm-phương tiện hành nghề biển, bây giờ thêm giải nhì, giải ba và giải tặng trâu đánh hay, phần thưởng quy thành tiền.
Theo Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2022, việc tổ chức lễ hội sau 2 năm gián đoạn và thực hiện đúng theo nội dung “Đề án đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố thống nhất năm 2018. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND quận.
Ban tổ chức lễ hội chủ động đề xuất UBND thành phố về công tác tổ chức lễ hội; xây dựng kế hoạch phối hợp đơn vị tổ chức sự kiện, lữ hành quảng bá, thu hút khách du lịch về Đồ Sơn dịp diễn ra lễ hội. “Đổi mới về cách làm nhưng Ban tổ chức kiên quyết không thay đổi hay lược bỏ phần lễ, linh hồn của Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn.
Ban tổ chức luôn coi trọng và bảo đảm phần lễ từ cấp quận tới các phường đều thực hiện đúng nghi thức truyền thống. Từ đó góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống của lễ hội, giáo dục thế hệ sau, nhất là thế hệ trẻ biết, giữ gìn và phát huy truyền thống đặc sắc của lễ hội”.
Sự phục hồi lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một việc làm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Chấn hưng lễ hội này với những đặc điểm vốn có của nó sẽ góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước cứ đến hội lại nô nức đổ về, tạo nên một sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo có một không hai trên cả nước.