Bài 1: Kiếm đồng tiền sạch từ nơi bẩn nhất
Gia đình - Ngày đăng : 07:03, 15/09/2022
Mò mẫm trong dòng nước đen kịt
Hai bên bờ kênh ngổn ngang gạch đá và rác. Nơi đây là công trường “cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm” (quận Tân Phú, TP.HCM) đã được triển khai thi công từ nhiều năm nay.
Người đàn ông vẫn cặm cụi, mò mẫm trong dòng nước đen kịt. Thỉnh thoảng ông đưa tay ra bốc ra một mảnh nhựa, hay nhặt lấy một thanh sắt. Nhúng vào dòng nước đen, ông rửa sơ vật tìm được rồi cho vào trong chiếc thau nhôm. Cứ như thế, ông đi dọc bờ bên phải rồi quay ngược lại ở bên bờ trái. Đôi chân ông chìm trong sình lên đến gần đầu gối, đôi mắt chăm chú nhìn vào lớp sình trên mặt kênh.
Dưới chân ông, trong lớp sình dày đặc có biết bao nhiêu vật bén nhọn nguy hiểm. Trong dòng nước đen đang chảy kia, biết bao nhiêu ký sinh trùng, vi khuẩn độc hại. Mùi hôi xông lên nồng nặc. Thế mà ông bình thản đến lạ lùng.
Ông chủ quán nước gần đó cho biết, người đàn ông nhặt phế liệu trên kênh tên Hoàng, nhà ở Bình Trị Đông, năm nay chừng tuổi 50. Theo ông chủ quán nước, ba chục năm nay, không một ngày nước ròng nào ông Hoàng không có mặt ở con kênh nước đen này.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, ngoài kia ông Hoàng có vẻ mừng rơn khi nhặt được một miếng thép to. Ông khệ nệ bưng lên. Chắc cũng được hơn nửa kg, rửa sơ qua, ông cho vào chiếc thau. Chiếc thau trĩu nặng một bên. Ông chủ quán nói với tôi: “Nó trúng mánh rồi”.
Những người lớn tuổi biết ông Hoàng kể lại, ông đến với con kênh này khi tuổi còn rất trẻ, chừng 19 – 20 tuổi. Hàng chục năm nay, chưa bao giờ thấy ông vắng mặt nhiều ngày. Dường như qui luật bất biến, trời sinh trời dưỡng, ít khi thấy ông đau ốm. Siêng năng, chăm chỉ, cần mẫn thế nhưng công việc này cũng chỉ chỉ giúp ông đủ đắp đổi qua ngày. Thế nhưng bù vào, đồng tiền kiếm được là đồng tiền sạch, cái sạch có từ những nơi dơ bẩn nhất của thành phố.
Bấp bênh cuộc sống
Kết thúc cuộc tìm kiếm, ông Hoàng từ dưới dòng kênh bưng hai chiếc thau đầy ắp phế liệu lên bờ. Ngồi bệt dưới đất cạnh chiếc ba gác, ông nhanh tay phân loại, nhựa vào một bao, sắt vào một bao.
Một ngày làm việc của ông Hoàng bắt đầu từ 7g sáng và thường kéo dài đến 14g chiều. Khởi đầu bằng một ly cà phê và một gói thuốc lá, ông ngụp lăn nhiều giờ liền trên các con kênh 19-5, Tân Hóa, cầu Đồn trong khu vực Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Quận 8.
Ông kể, những năm trước đây khi các công trình chưa triển khai, hai bên kênh còn nhiều nhà sàn. Rác rến, vật dụng thừa thãi đều được tuôn xuống kênh. Nhờ vậy mà ông tìm được khá nhiều phế liệu. Gần đây, có những con kênh bị chia cắt nhiều đoạn nhằm phục vụ thi công, nhà ven kênh không còn nên ông kiếm được ít hơn.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, ông không được đi học. Đến giờ này ông vẫn là người mù chữ, không đọc không viết được mà thậm chí không biết sử dụng cả điện thoại. Ông không có một nghề nào khác ngoài nghề nhặt phế liệu này. Vì vậy, trước những dự án lấp kênh, ông buồn ra mặt. Lấy gì để sống? Lấy gì để nuôi mẹ già, nuôi vợ con và đứa cháu ngoại lên ba?
Ở thành phố này không ai không ngán ngẩm những dòng kênh đen đầy ô nhiễm. Thế nhưng, hàng ngày vẫn có hàng chục người sống được nhờ mưu sinh trên những con kênh bẩn đó. Ông Hoàng tâm sự, có đến vài chục người làm công việc như ông. Ai có lãnh địa nấy. Không ai xâm phạm ai. Tất cả đều chung cảnh nghèo, không nghề nghiệp không chữ nghĩa. "Một khi không còn những dòng kênh đen như thế này nữa chúng tôi chẳng biết lấy gì để sinh sống. Nhưng mà thôi, đến đâu hay đến đó. Chúng tôi chỉ là một thành phần nhỏ. Không thể vì chúng tôi mà quên đi vẻ đẹp của thành phố, sức khỏe của hàng ngàn hàng vạn người dân sống ven kênh", ông Hoàng nói.
Xem thêm: Bài 2: Hạnh phúc và nỗi lo kiếm tiền sạch từ nơi bẩn nhất
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 05/11/2012
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/kiem-dong-tien-sach-tu-noi-ban-nhat-sai-thanh-95282.html