TP.HCM họp 'nóng' về xăng dầu

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:01, 15/09/2022

Trong cuộc họp "nóng", các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ kiến nghị mức chiết khấu cố định cho cây xăng tối thiểu 1.700-2000 đồng/lít. Nếu tiếp tục chiết khấu bằng 0 thì nguy cơ phá sản lớn.

Thông tin VietNamNet có được, sáng nay (15/9), Sở Công Thương TP.HCM sẽ có cuộc họp với lãnh đạo các DN đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu. Nội dung cuộc họp bàn về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP.

Đại diện các DN bán lẻ xăng dầu cho hay, tại cuộc họp này sẽ kiến nghị chỉnh cách điều hành giá hợp lý hơn, bởi hiện nay khi giá nhiên liệu biến động tăng/giảm, các DN bán lẻ đều bị bóp chiết khấu. Chiết khấu 0 đồng hoặc âm kéo dài dẫn tới tình trạng DN xăng dầu bên bờ vực phá sản. Do đó, các DN cho rằng, nhà chức trách cần xem xét sao cho chiết khấu cố định của DN bán lẻ tối thiểu 1.700-2000 đồng/lít vì chỉ từ 1.500 đồng thì DN mới chạm điểm hòa vốn.

Một DN đầu tư kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để hoạt động, nghịch lý là tỷ suất lợi nhuận không bằng một quán tạp hoá, chưa kể rủi ro hỏa hoạn cao. Trong khi, trạm xăng dầu khu vực TP.HCM, dù ngoại thành hay nội thành, thì với diện tích 1.000m2 có thể cho thuê vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi tháng, chứ không cần kinh doanh xăng dầu như hiện tại để liên tục bị lỗ.

Câu chuyện chiết khấu, hoa hồng giữa doanh nghiệp đầu mối và cây xăng dầu lẻ đang khá phức tạp (ảnh: Chí Hùng)

Cùng với đó, DN bán lẻ xăng dầu cũng đề xuất loại bỏ hình thức thương nhân phân phối, vì đây là đơn vị trung gian đang làm giảm quyền lợi của cửa hàng bán lẻ.

Trước đó, thông tin với PV. VietNamNet, Giám đốc Sở Công Thương một số địa phương cho hay, đang có hiện tượng nhiều chủ cây xăng tìm lý do để tạm đóng cửa, ngừng hoạt động. Đơn cử, Đồng Tháp có 9-10 cây xăng gửi thông báo xin nghỉ bán; Hậu Giang có 2 địa điểm; Vĩnh Long khoảng 10 địa điểm…Có cây xăng kéo dài thời gian nghỉ sửa chữa lên tới 2-3 tháng.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, cho biết, một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa nhưng cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu mở bán lại bình thường. Cuối tháng 8, Sở này đã có văn bản gửi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; các thương nhân phân phối và DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Theo cơ quan quản lý, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, bất kỳ ai kinh doanh xăng dầu đều phải chấp nhận rủi ro. Lúc lãi, lúc lỗ và các DN tự nguyện tham gia kinh doanh lĩnh vực có điều kiện này. Do đó, DN cần hiểu, chia sẻ để vượt qua khó khăn trước mắt.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Công Thương Vĩnh Long chia sẻ, bản thân cảm thấy áy náy trong vai trò quản lý nhà nước với các điểm bán lẻ xăng dầu hiện nay. Ông kiến nghị cơ chế điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương cần linh hoạt hơn, nên giao cho DN đầu mối được phép điều chỉnh giá trong biên độ cho phép, để nếu có sự thay đổi về giá có thể kịp thời cân đối chính sách hoa hồng cho các đại lý, cây xăng bán lẻ. Các DN bán hàng không có hoa hồng, chiết khấu 0% sẽ khó trụ nổi trong thời điểm này.