"Xóa sổ" cà phê đường tàu ở Hà Nội, luật cho phép hay không?

Pháp luật - Ngày đăng : 14:39, 14/09/2022

Chuyên gia pháp lý đánh giá tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu ở Hà Nội là "vi phạm rất nghiêm trọng" và đồng tình với kiến nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Cần cương quyết chấn chỉnh thực trạng bát nháo

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, chính quyền sở tại cần phải cương quyết chấn chỉnh thực trạng bát nháo xảy ra tại nhiều quán cà phê đường tàu nằm trên địa bàn phường Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) và phường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội).

Xóa sổ cà phê đường tàu ở Hà Nội, luật cho phép hay không? - 1

Hình ảnh khách du lịch kéo đến để tham quan, chụp ảnh và check-in bất chấp biển cảnh báo khu vực nguy hiểm (Ảnh: Tố Linh).

Theo luật sư Hậu, tại Điều Luật Đường sắt 2005 quy định hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2m; hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang phải bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông và phù hợp với cấp đường ngang…

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Từ các căn cứ trên, ông Hậu cho rằng chính quyền sở tại hoàn toàn có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính để xử lý nghiêm các vi phạm không đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.

Để giải quyết triệt để hơn nữa thực trạng trên, luật sư Hậu đề nghị UBND TP Hà Nội ban hành quy định chủ cơ sở tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ giải khát ngoài phạm vi 2m tính từ mép ray đường sắt ngoài cùng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Đồng thời, thành phố cũng cần giải quyết dứt điểm tồn tại vi phạm trong phạm vi đất dành cho đường sắt, được quy định tại Điều 39 Nghị định 56/2018/NĐ-CP.

Theo đó, cần dỡ bỏ ngay các công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đường sắt và nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt.

"Cụ thể, đối với công trình tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt trước ngày 1/7/2018 sẽ giải quyết theo quy định của Luật Đường sắt năm 2005 và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Đối với công trình tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thực hiện theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017 và quy định tại Nghị định 56/2018/NĐ-CP" - luật sư Hậu cho hay.

Bày tỏ quan điểm về kiến nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam), cho biết, cơ quan quản lý nhà nước có quyền cấm các hoạt động vi phạm an toàn đường sắt, bao gồm hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu hoặc các hoạt động khác nếu các hoạt động này có vi phạm.

"Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ có quyền xử lý vi phạm an toàn giao thông đường sắt chứ không thể "xóa sổ" quán cà phê ở khu vực này nếu các cơ sở này không vi phạm" - luật sư Đức cho hay.

Xóa sổ cà phê đường tàu ở Hà Nội, luật cho phép hay không? - 2

Chuyên gia pháp lý đánh giá tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu ở Hà Nội là "vi phạm rất nghiêm trọng" (Ảnh: Tố Linh).

Quyết liệt dẹp bỏ quán cà phê sát đường sắt

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mới đây tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu năm 2018 khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua. Cùng đó là các hàng quán bày bàn ghế bán nước cho khách du lịch trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Khi dịch Covid-19 được kiềm chế, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này lại tái diễn.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đã có văn bản gửi các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên Phủ đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng người dân bày bán hàng, du khách trong nước và nước ngoài quay phim chụp ảnh tại đây. Đồng thời, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị tiếp tục chỉ đạo, xử lý tình trạng này.

Tuy nhiên, những vi phạm tại khu vực này vẫn hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhất là dịp nghỉ lễ 2/9 lại tái diễn tình trạng bán hàng và du khách nước ngoài, người dân đứng trên đường ray để chụp ảnh, quay phim.

Ngày 14/9, đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, địa phương đã quyết liệt dẹp bỏ các quán cà phê dọc tuyến đường sắt.

"Đến nay, địa bàn phường Điện Biên không còn hàng quán cà phê sát khu vực đường sắt" - vị đại diện này cho hay.

Xóa sổ cà phê đường tàu ở Hà Nội, luật cho phép hay không? - 3

Đại diện UBND quận Ba Đình khẳng định đang quyết liệt dẹp bỏ cà phê đường tàu (Ảnh: Hoàng Chiến).

Đối với phường Cửa Đông, một lãnh đạo UBND phường cho biết, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, chính quyền sở tại đã mời các hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không vi phạm an toàn giao thông đường sắt.

Trước đó, phường có lập chốt kiểm soát không để người dân, du khách đi lại tự do trên đường tàu. Tuy nhiên, việc trả kinh phí duy trì lực lượng tự quản đang "vướng" do liên quan đến quy định mới.

Nguyễn Trường