Người dân Myanmar phải bán đất vì quá ít khách du lịch
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:23, 14/09/2022
Theo SMCP, trước đây, hàng triệu khách du lịch đến thăm quần thể chùa chiền cổ kính tại Bagan (Myanmar) mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ cuộc đảo chính quân sự vào năm 2021, du khách đã không còn thích thú và coi nơi đây là điểm đến lý tưởng. Do vậy, những người công tác trong lĩnh vực du lịch giờ phải chuyến sang làm việc khác và chuyển đến các thành phố khác để kiếm sống.
Thành phố Bagan (Myanmar) - Di sản thế giới được UNESCO công nhận - hiện hầu như không có khách du lịch. Ảnh: Shutterstock.
Bagan được coi là thành phố cổ kính của những ngôi đền, chùa và đền thờ, từng thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, các di tích bằng vàng này gần như bị bỏ hoang, kể từ khi có cuộc đảo chính vào tháng 2/2021.
Ông Ko Min (50 tuổi, sinh ra ở Bagan) cho biết trước đây, ông và một số người bạn thường bán hoa, bưu thiếp cho khách du lịch đến tham quan các địa điểm linh thiêng ở phía Tây Bắc của thủ đô mới Naypyidaw. Song do không có du khách và đại dịch Covid-19 nên cuộc sống của họ đã hoàn toàn thay đổi.
"Bình thường, chúng tôi có thể xoay sở để kiếm sống nhưng đã ba năm rồi không làm ăn được gì. Mọi người đang phải bán đất của mình", ông tiết lộ.
Một nhà sư bên ngoài ngôi chùa cổ Sulamani (Bagan) vào năm 2019. Ảnh: AFP.
Ông Ko Min tỏ ra lo lắng về tương lai của thành phố Bagan, khi những người trẻ tuổi tìm việc làm ở những nơi khác. "Họ đang chuyển đến các thành phố lớn như Yangon và Mandalay, cố gắng tìm việc trong lĩnh vực xây dựng, quán bar và nhà hàng", ông nói.
Ông Ko Min cũng lo lắng cho số phận của những công trình kiến trúc đổ nát từ thời kỳ đầu của đế chế Phật giáo, vốn được tôn vinh vì vẻ đẹp lộng lẫy, nếu người dân địa phương không còn ở đây để chăm sóc chúng. Ông nhớ lại, những người lớn tuổi luôn dạy cho người trẻ cách duy trì, bảo tồn di tích lịch sử để chỉ người dân Bagan mới có thể cải tạo chúng.
Kyaw Kyaw (quê ở Bagan) hiện làm việc cho một nhà xuất bản sách tại Yangon. Ông cũng từng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch nhưng đã chuyển đi. "Gia đình tôi đang ở Bagan nhưng không còn công việc nữa. Mọi người ngày càng lo ngại về tương lai của thành phố khi hy vọng về du lịch bị dập tắt vào năm ngoái, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn", ông chia sẻ.
Mọi người đến thăm ngôi đền Phật giáo Ananda (Bagan) vào tháng 7/2019. Ảnh: AFP.
Cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi (77 tuổi) đang bị biệt giam ở Naypyidaw. Bà có thể phải đối mặt với án tù tối đa 190 năm nếu bị kết tội trong tất cả trường hợp, bao gồm các cáo buộc gian lận xung quanh cuộc bầu cử năm 2020, mà giới quan sát quốc tế cho rằng bà đã thắng. Quân đội Myanamar hiện phải kìm hãm các cuộc biểu tình. Nhiều người trẻ tuổi từ Bagan cũng tham gia các nhóm đấu tranh.
Khoảng 42.315 người nước ngoài đã đến Myanmar từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, họ chủ yếu chỉ đến để kinh doanh và tới từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Trước đại dịch, 4,3 triệu khách du lịch nước ngoài đã đến Myanmar vào năm 2019. Một số quốc gia cảnh báo người dân đến đây. Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển của Anh "khuyên không nên du lịch đến Mynamar nếu không cần thiết, ngoại trừ khu vực Yangon".
Paing Paing Thaw (từng điều hành một công ty tổ chức tour du lịch cho du khách châu Âu và Mỹ) cho hay, họ hầu hết đều muốn đến Bagan. Các khách sạn, nhà hàng ở đó hiện đóng cửa. Cô cũng buộc phải đóng cửa công ty của mình và gần như không có thu nhập. Nếu khách du lịch quay trở lại, Paing Paing Thaw sẽ khá lo ngại khi đưa họ đi khắp đất nước của mình, với tình hình như hiện tại.