Số địa phương 'không phát hiện tham nhũng' giảm dần
Xã hội - Ngày đăng : 11:04, 13/09/2022
Sáng 13/9, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021" đã được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết quả giám sát được thực hiện trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương và giám sát trực tiếp tại 8 bộ ngành, 6 địa phương.
Điểm nóng khiếu nại, tố cáo
Về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, báo cáo giám sát cho thấy, tỷ lệ công dân khiếu nại có yếu tố đúng trong số vụ việc đã được giải quyết là 17,1%, tố cáo có yếu tố đúng 19,7% - thấp hơn khá nhiều so với bình quân 5 năm trước.
Trong lĩnh vực hành chính, đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án (chiếm trên 69,5%). Các kiến nghị, phản ánh, tranh chấp liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư thương mại có xu hướng gia tăng và phát sinh nhiều vụ việc phức tạp.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây có phát sinh thêm các vụ việc đông người, phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là đối với việc thực hiện dự công viên nghĩa trang, khu xử lý rác thải tập trung, các cơ sở chăn nuôi tập trung, hoạt động của một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
"Số lượng vụ án tranh chấp dân sự - chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân, tranh chấp kinh tế - chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, có xu hướng gia tăng, nhất là các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội"- báo cáo cho hay.
Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp liên quan nhiều vấn đề. Thời gian gần đây xuất hiện một số trường hợp gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao về hành vi "làm sai lệch hồ sơ vụ án", "không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội", "ra bản án trái pháp luật", nhưng bản chất nội dung đơn lại là đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp (công dân không đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án, kết luận điều tra, bản án).
Tình trạng gửi đơn khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương. Nguyên nhân phần lớn là do việc chậm trễ giải quyết ở cấp cơ sở hoặc công dân không tin tưởng vào kết quả giải quyết của cấp cơ sở. Ngoài ra, cũng còn nguyên nhân khác như công dân muốn gửi đơn đến nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan Trung ương nhằm gây sức ép với các cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết.
Số địa phương "không phát hiện tham nhũng" có xu hướng giảm dần
Báo cáo giám sát đánh giá việc tổ chức thông tin, thông báo kết quả giải quyết tố cáo đã được các cơ quan thực hiện bài bản, thận trọng, công tâm, khách quan đúng quy định và được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nhiều vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, đã được các cơ quan khẩn trương xác minh, kết luận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đáng chú ý, công tác phát hiện, xử lý hành vi sai phạm, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" thể hiện qua những "con số biết nói": Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, đã có 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng.
Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TPHCM, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên…
Dù vậy, đoàn giám sát đánh giá vẫn còn nhiều lúng túng, thiếu thống nhất trong việc xử lý đơn tố cáo, nhất là đơn tố cáo hành vi hành chính với đơn tố cáo có nội dung tố giác tội phạm.
Công tác thẩm tra, xác minh giải quyết vụ việc tố cáo nhiều nơi chưa kỹ, thiếu chủ động, đánh giá chứng cứ. Còn có một số vụ việc người được giao xác minh chỉ lấy thông tin trên hồ sơ, tài liệu, không xác minh thực tế, không trực tiếp làm việc với người tố cáo, dẫn đến phát sinh một số ý kiến phản ánh của người dân.
Tình trạng ban hành thông báo thay thế cho kết luận tố cáo còn xảy ra ở một số nơi; có biểu hiện né tránh nhất là trong trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đối với những trường hợp này, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo còn thiếu chủ động và thường trông chờ vào việc giải quyết của cấp ủy đảng.
"Số vụ việc tố cáo đúng và đúng một phần chiếm 31% trong tổng số vụ việc tố cáo cho thấy việc công dân, tổ chức tố cáo có yếu tố đúng còn khá lớn, chất lượng công tác quản lý hành chính nhà nước các cấp còn nhiều bất cập, để xảy ra nhiều sai phạm, làm gia tăng tình hình khiếu nại, tố cáo"- báo cáo nhận định.