Giữa lùm xùm, doanh nghiệp mẹ Cường Đô la lộ ra thương vụ trăm tỷ
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:07, 13/09/2022
Ngày 9/9, CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) gửi thông báo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghị quyết thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ Phần Diamond Bay từ 25% xuống còn 11,1% vốn điều lệ, tương đương giảm vốn từ gần 150 tỷ đồng xuống còn 66,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ Công ty Cổ Phần Diamond Bay không thay đổi.
Theo nghị Quyết, giao dịch trên được giao cho bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc làm đại diện vốn góp của QCG tại Công ty Cổ Phần Diamond Bay và nhân danh Quốc Cường Gia Lai thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cổ đông góp vốn.
Trước đó, hồi tháng 6/2021, giữa những thông tin lùm xùm, QCG vẫn góp 150 tỷ đồng vào Diamond Bay để sở hữu 25% vốn điều lệ tại công ty này.
Có trụ sở đặt tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành nghề hoạt động chính của Diamond Bay là kinh doanh bất động sản. Người đại diện pháp luật tại DN này là bà Lại Thị Hoàng Yến, con gái ông Lại Thế Hà, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai.
Đơn vị này được ghi nhận là công ty liên kết trong báo cáo tài chính của Quốc Cường Gia Lai từ quý I/2022.
Đây là một trong nhiều thương vụ chuyển nhượng góp vốn của QCG những năm gần đây. Đáng chú ý, năm 2018, QCG bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhắc nhở về chậm công bố 14 nghị quyết của HĐQT trong giai đoạn từ tháng 1/2013-8/2017 liên quan đến chuyển nhượng vốn góp và mua cổ phần, với tổng giá trị hơn 3.260 tỷ đồng tại 14 công ty.
Mặc dù xuất ra hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên kết, song những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của QCG không có nhiều chuyển biến tích cực. Số nợ hàng nghìn tỷ treo lơ lửng khiến QCG nhiều lần phải đi vay, trong đó có hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng đến từ cá nhân các lãnh đạo.
Kết thúc quý II/2021 (thời điểm QCG góp vốn vào Diamond Bay), tổng tài sản của QCG đạt hơn 10.600 tỷ đồng, giảm 800 tỷ đồng so với 6 tháng trước đó, chủ yếu do giảm giá trị hàng tồn kho. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 6.400 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ chỉ chiếm hơn 500 tỷ đồng nhưng công ty đang mượn tiền các bên liên quan tổng cộng hơn 1.200 tỷ, trong đó có nhiều cá nhân.
Cùng thời điểm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Nguyễn Quốc Cường, hay còn gọi là Cường Đô la) là cá nhân đang cho Quốc Cường Gia Lai mượn nhiều tiền nhất với 97 tỷ đồng. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cũng cho công ty của mẹ mượn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Lại Thế Hà, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc cùng con gái Lại Thị Hoàng Yến cũng cho Quốc Cường Gia Lai mượn tổng cộng 120 tỷ đồng.
Không những vây, nhiều năm qua, QCG dính vào những vụ lùm xùm, trọng điểm xoay quanh đến dự án Phước Kiển mà kỳ vọng đầu tư của QCG không được như mong đợi. Ngoài ra, QCG còn dính dáng đến kiện tụng với đối tác, đến này vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Bà Nguyễn Thị Như Loan cũng bị cơ quan điều tra xem xét liên quan đến mua bán hơn 32h đất thuộc tài sản nhà nước giữa Công ty Tân Thuận và QCG với giá chuyển nhượng cao hơn với giá thẩm định, dẫn đến thiệt hại cho nhà nước 80 tỷ đồng. Cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm về khả năng bà Loan có thông đồng với Công ty Tân Thuận để nhận mua giá cao hơn giám thẩm định.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên ngày 12/9, cổ phiếu QCG đạt 7.960 đồng/cp, giảm 50% so với thời điểm cao nhất trong năm hồi 3/2022.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của QCG đạt 9,37 nghìn tỷ, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạt chiếm 7143 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho là hơn 6.800 tỷ đồng. Doanh thu đạt 608 tỷ đồng, giá vốn bán hàng chiếm 553 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của QCG chỉ đạt hơn 25 tỷ đồng.
Dòng tiền suy yếu
Theo CTCK Tân Việt, thị trường hồi phục với thanh khoản thấp và yếu dần về cuối phiên cho thấy dòng tiền và tâm lý hiện đang mỏng manh.
Thị trường đang gặp nhiều tin tức bất lợi ở giai đoạn hiện tại, đặc biệt, là sự suy yếu của dòng tiền do cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng hiện vẫn nóng.
Với diễn biến hồi phục yếu dần về cuối phiên trước thì áp lực bán nhiều khả năng sẽ quay lại trong phiên ngày hôm nay.
Chứng khoán Tân Việt cho rằng, duy trì quan điểm thận trọng với diễn biến thị trường trong ngắn hạn và chiến thuật duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (<50% tài khoản), để bảo vệ tài sản nhằm sẵn sàng cho các cơ hội ở vùng giá thấp hơn.
Theo CCK SSI, quán tính tăng, chỉ số VNIndex nhiều khả năng sẽ kiểm lại vùng kháng cự quan trọng 1.250 điểm trong phiên tới. Nếu quay lại trên khu vực này, chỉ số sẽ tiếp tục hồi phục về ngưỡng 1.261 điểm. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh trở lại từ vùng 1.250 điểm, chỉ số sẽ duy trì xu hướng Giảm ngắn hạn với vùng hỗ trợ gần là 1.220 điểm.