Cuộc sống ở nơi "mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm"

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:02, 13/09/2022

Mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm. Nước từ rác thải đã ngấm xuống đất, khu vực đó không thể có cây nào sống được", lãnh đạo huyện Củ Chi (TPHCM) nói về khu liên hợp xử lý rác trên địa bàn.

Xem thêm: Sống trong ô nhiễm ở TPHCM: Nhà thủng không muốn sửa, đi ngủ phải xoa dầu

Cuộc sống ở nơi "mùi hôi thối chỉ là một phần của ô nhiễm"

(Dân trí) - "Mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm. Nước từ rác thải đã ngấm xuống đất, khu vực đó không thể có cây nào sống được", lãnh đạo huyện Củ Chi (TPHCM) nói về khu liên hợp xử lý rác trên địa bàn.

Cuối năm 2002, TPHCM quyết định để bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) "nghỉ ngơi" sau hơn 10 năm, gánh 10 triệu tấn rác cho toàn địa bàn. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) buộc phải triển khai bãi chôn lấp giải quyết lối ra cho lượng rác, chất thải từ bãi rác đã đóng cửa.

Trong tổng số gần 10.000 tấn rác được người dân TPHCM thải ra mỗi ngày, khu liên hợp xử lý rác đang phải xử lý bằng cách chôn lấp gần 1.000 tấn. Khoảng 2.000 tấn rác còn lại được 2 công ty trong khu liên hợp chịu trách nhiệm tái chế thành phân compost.

Cuộc sống ở nơi mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm - 1

Rác thải vương vãi trên đoạn đường vào Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Ảnh: Hoàng Giám).

Song song với việc hình thành các bãi chôn lấp, từ năm 2003, TPHCM đã thu hồi 256ha đất tại xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi), để có nơi trồng khoảng 40.000 cây xanh ngăn cách với các hộ dân. Trải qua thời gian dài, vành đai xanh cách ly bãi rác - nhà dân vẫn chưa thành hiện thực, người dân tại đây vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh mỗi khi có gió thổi từ phía những núi rác về.

Sống theo hướng gió thổi

Khu liên hợp xử lý rác cách khu dân cư xã Phước Hiệp gần 1km, chạy dọc con kênh đen kịt, nối dài từ phía những núi rác khổng lồ. Dọc 2 bên đường là những bãi đất trống, những vườn tràm nước tự mọc thưa thớt, xem kẽ một vài căn nhà, chòi bỏ hoang của các hộ dân trước đây có đất canh tác.

Cuộc sống ở nơi mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm - 2

Đoạn đường từ Khu chôn lấp rác xã Phước Hiệp tới khu dân cư ngập trong chất thải khi mưa lớn (Ảnh: Quang Huy).

Ông Bảo Toàn (68 tuổi) là một trong những hộ dân nằm gần nhất với khu liên hợp xử lý rác. Vốn sinh ra và lớn lên ở đây, ông vẫn rùng mình khi nhớ lại những ngày là cao điểm của thứ mùi rác gây ám ảnh.

"Mùi ở đây theo mùa. Mùa mưa sẽ đỡ hơn. Đợi ngày nắng, đúng hôm có gió hướng Tây - Nam thổi thì hôi thối không chịu nổi", ông Toàn bày tỏ.

Ông Ton (44 tuổi) kể về những ngày nắng, khoảng 16h sẽ trải qua những giây phút sợ hãi vì mùi rác bốc lên. Theo ông, đó là giờ các công nhân mở tấm bạt phủ cả nghìn tấn rác để tiếp nhận thêm. Những lúc đó, gia đình ông chỉ biết vào nhà, đóng kín cửa lại, nhưng cũng không đỡ hơn là bao.

"Người dân ở đây chỉ sợ thứ mùi chua lòm của rác, mùi khét nồng mỗi khi đốt cao su, không chịu nổi. Đó là những thứ chúng tôi có thể cảm nhận rõ nhất về sự ô nhiễm", ông Ton cho hay.

Người dân tại xã Phước Hiệp cũng chia sẻ, có thời điểm, họ bị tra tấn bởi nhiều âm thanh vọng tới từ phía khu liên hợp xử lý rác thải. Có những đêm, tiếng kèn, tiếng xe chở rác, tiếng ồn của máy móc khiến họ không thể nghỉ ngơi.

Cuộc sống ở nơi mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm - 3

Dòng kênh đen chạy thẳng từ khu vực xử lý rác tới khu dân cư xã Phước Hiệp (Ảnh: Hoàng Giám).

Trước thời điểm Khu liên hợp xử lý rác đi vào hoạt động, giếng khoan là nguồn nước chính được các hộ dân khu vực xã Phước Hiệp sử dụng, song song với nguồn nước máy. Hiện tại, còn rất ít hộ dân duy trì việc sử dụng nguồn nước từ thiên nhiên do mùi hôi tanh đã xuất hiện.

Để giải quyết một phần vấn đề rác thải cho cả triệu người dân, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi được TPHCM đưa vào hoạt động từ năm 2003. UBND huyện Củ Chi cho biết, dù đã được đầu tư xử lý, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực này vẫn chưa thể giải quyết triệt để, đặc biệt là mùi hôi thối, đất đai không thể canh tác đang ảnh hưởng đến đời sống 244 hộ.

Trồng cây gì cũng chết

Ông Nguyễn Văn Hải (49 tuổi) kể, trước đây, khu vực đất của người dân bị thu hồi phục vụ dự án Khu liên hợp xử lý rác vốn là ruộng lúa mênh mông. Con kênh nối dài từ khu bãi rác hiện tại là nơi người dân thu hoạch ốc bươu vàng, câu cá mỗi buổi chiều.

"Ngày trước, cá, ốc ăn mệt nghỉ vì dọc 2 bên bờ chỉ trồng lúa. Bây giờ, đây chỉ còn là con kênh chết, chứa nước thải, kiếm không ra nổi con gì sống", ông Hải thở dài.

Cuộc sống ở nơi mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm - 4

Người dân xã Phước Hiệp bắt đầu lo ngại việc ô nhiễm nguồn nước ngầm (Ảnh: Quang Huy).

Người đàn ông nhớ lại, cách đây hơn 10 năm là thời điểm con kênh thay màu kể từ khi khu liên hợp xử lý rác hoạt động. Hôm đó, nước đen chảy ra từng đoạn, cá, lươn đột nhiên chết nổi lên kín con kênh.

Sau thời điểm đó, nhà ông Hải cũng dừng hẳn việc sử dụng nước từ giếng khoan. Với việc hàng chục tấn rác tích tụ, chôn lấp, ông cho rằng, việc ô nhiễm nguồn nước ngầm có cố đến mấy cũng không thể tránh nổi.

Ông Hải cùng những người dân đã từng nghe về việc thành phố sẽ thực hiện trồng hàng rào cây xanh cách ly khu vực khu liên hợp xử lý rác với cụm dân cư xung quanh. Nhưng, thông tin ấy đã tồn tại nhiều năm qua, người dân sống gần những núi rác lớn còn ngỡ rằng kế hoạch này đã bị chấm dứt.

Cuộc sống ở nơi mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm - 5

Những đống rác "lộ thiên" nằm ngay trên đường cạnh khu xử lý rác (Ảnh: Hoàng Giám).

"Vành đai cây tôi có nghe lâu lắm rồi, chắc cỡ 10 năm, nhưng cũng hủy bỏ rồi, không có đâu. Tôi nghĩ có thực hiện cũng khó, trồng cây gì, ai chăm sóc, hay cứ trồng rồi bỏ đó thì cây cũng chết hết", người đàn ông khẳng định.

Trước đó, UBND TPHCM đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Huyện Củ Chi đã ban hành 350 thông báo thu hồi đất và khảo sát, đo đạc 231 trường hợp. Tuy nhiên, sau 17 năm, việc trồng cây xanh cách ly vẫn chưa được triển khai.

Vướng mắc lớn nhất là gì?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết, vấn đề của khu liên hợp xử lý rác đã tồn tại từ nhiều năm. Các đoàn khảo sát của thành phố và huyện tới đó nhiều lần để tìm hiểu thực trạng.

"Mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm. Nước từ rác thải đã ngấm xuống đất, khu vực đó không thể có cây nào sống được", lãnh đạo huyện Củ Chi phân tích.

Theo bà Hiền, hiện nay, việc trồng cây xanh cách ly (giai đoạn 2) của dự án đang gặp vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn. Ngoài vấn đề môi trường, việc chậm triển khai dự án còn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong khu vực có đất bị thu hồi.

Cuộc sống ở nơi mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm - 6

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (Ảnh: Q.H.).

"Huyện Củ Chi mong muốn sớm triển khai việc trồng cây xanh cách ly theo kế hoạch. Khi hoàn thành, vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Phước Hiệp sẽ được giảm thiểu, người dân cũng có cơ hội để tìm nơi khác an cư, lập nghiệp và có đất để canh tác, sản xuất", Chủ tịch UBND huyện Củ Chi mong muốn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TPHCM, cho biết, đơn vị này đã nắm được những vấn đề của khu liên hợp xử lý rác. Hiện tại, việc trồng vành đai cây xanh tại đây đang triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng với hình thức đầu tư công.

"Dự án đã được ghi vốn. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện tại đúng là chưa có nguồn vốn triển khai. Khi có vốn, dự án sẽ được thực hiện sớm nhất", ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin.

Cuộc sống ở nơi mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm - 7

Người dân sinh sống gần Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc vẫn phải chịu cảnh ô nhiễm khi hàng rào cây xanh cách ly chưa được hình thành (Ảnh: Hoàng Giám).

Vấn đề ô nhiễm môi trường từ Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc được vị lãnh đạo huyện Củ Chi nêu rõ tại buổi làm việc với ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, diễn ra ít ngày trước. Lãnh đạo huyện Củ Chi chia sẻ, nước xung quanh khu vực bị ô nhiễm, đen kịt, đất không thể canh tác.

"Người dân ở khu vực lân cận nơi xử lý rác không thể trồng trọt được gì, không cây nào sống nổi. Trong khi trước đây, mỗi năm họ có thể làm 2 đến 3 vụ lúa", bà Phạm Thị Thanh Hiền dẫn chứng.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi kiến nghị Sở TN&MT tham mưu UBND TPHCM triển khai dự án sớm nhất có thể. Dù trên địa bàn còn nhiều dự án, công trình lớn khác, tuy nhiên, bà Hiền cho rằng, nếu dự án này kịp làm để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, đó sẽ là niềm vui không thể tả đối với nhân dân huyện Củ Chi.

Cuộc sống ở nơi mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm - 8

Nội dung: Quang Huy

Mời độc giả đọc các bài viết về cảnh sống trong ô nhiễm ở TPHCM:

13/09/2022