Chủ tịch nghĩ lớn, cầm cố cổ phiếu cho công ty vay trăm tỷ
Bất động sản - Ngày đăng : 08:03, 11/09/2022
Chủ tịch cầm cố cổ phiếu cho công ty vay vốn
Tổng công ty 36 (G36) ban hành Nghị quyết về việc sử dụng tài sản cá nhân của Chủ tịch Nguyễn Đăng Giáp là 12,54 triệu cổ phiếu G36 để bảo đảm cho khoản vay tại BIDV. Ở thời điểm ban hành nghị quyết, giá cổ phiếu ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị tài sản bảo đảm của số cổ phiếu trên là hơn 134 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Giáp - Chủ tịch HĐQT G36 (SN 1954), quê Nghệ An, trình độ Cử nhân Luật và có nhiều năm đảm nhiệm các vị trí trong quân đội.
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2022 của G36 cho biết, ông Nguyễn Đăng Giáp đang trực tiếp nắm giữ hơn 17,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 17,24% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Tại CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH), chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên cho TNH vay 35,62 tỷ đồng để trả nợ cho các trái chủ khi đến hạn.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy, khoản nợ của TNH đang gấp 2,5 lần doanh thu, lợi nhuận sau thuế không tương xứng với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng. Vì thế, TNH không đủ nguồn tài chính để đáo hạn lô trái phiếu năm 2020.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp lại cho chủ tịch vay tiền. CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) có khoản giao dịch cho vay với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Trong thuyết minh báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán của HAGL, doanh nghiệp cho ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT, vay hơn 102 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm. Cuối năm ngoái, bầu Đức vẫn là cổ đông lớn duy nhất của tập đoàn này, nắm giữ 34,5% vốn điều lệ.
Tương tự, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Xây dựng 1369 (C69).
Báo cáo tài chính tổng hợp được kiểm toán năm 2020, công ty phát sinh 1 giao dịch cho vay số tiền 12 tỷ đồng đối với cổ đông ông Lê Minh Tân, Chủ tịch HĐQT. Theo BCTC năm 2020, đây là khoản công ty cho các cá nhân vay với thời hạn 6 tháng, lãi suất 8%/năm.
Eximbank bổ nhiệm tổng giám đốc thêm 3 năm
HĐQT Eximbank quyết định tái bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc làm Tổng giám đốc. Thời gian bổ nhiệm là 3 năm, quyết định có hiệu lực từ ngày 8/9.
Ông Lộc sinh năm 1969, giữ chức danh Tổng giám đốc Eximbank từ 8/9/2021 sau hơn 2 năm bỏ trống ghế này. Ông Lộc là tiến sĩ kinh tế, đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Eximbank.
Tháng 2/2022, Eximbank đã công bố tân chủ tịch là bà Lương Thị Cẩm Tú. Bà Tú sinh năm 1980, có trình độ cử nhân quản trị kinh doanh - Trường đại học Văn Lang, thạc sĩ quản trị kinh doanh - Trường đại học Griggs. Trước khi vào hội đồng quản trị Eximbank vào tháng 4/2018, bà Tú là tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank).
Tại GPBank, ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ NHNN, đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Phạm Huy Thông giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV GPBank, ông Hồ Hữu Minh giữ chức vụ Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc GPBank, ông Nguyễn Quang Trung giữ chức vụ Thành viên HĐTV GPBank, bà Nguyễn Thị Hương giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc GPBank.
Sếp quản lý tài sản Trí Việt bán bớt cổ phiếu
Theo CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC), ông Đỗ Thanh Hà, Tổng giám đốc, đăng ký bán 150.000 cổ phiếu TVC, với lý do tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 8/9 đến ngày 7/10/2022, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Ông Thanh Hà đang nắm giữ 3,69 triệu cổ phiếu TVC, tương ứng tỷ lệ 3,11%.
Trong quý II/2022, TVC lỗ hơn 288 tỷ đồng. Khoản đầu tư cổ phiếu HPG chiếm khoảng một nửa là 1.100 tỷ đồng và đang trích lập dự phòng xấp xỉ 300 tỷ đồng. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn tiếp theo trong danh mục là FPT, MGW, TCB… cũng đều trích lập dự phòng tại thời điểm báo cáo.
TVC trải qua sự cố khi Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Trí Việt (TVB ) bị khởi tố bắt tạm giam vì bị cáo buộc thao túng giá chứng khoán. TVC là cổ đông lớn nhất và có mối liên hệ chặt chẽ với TVB. Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch TVC đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT TVB.
Văn Phú Invest bị phạt vì mua chui cổ phiếu
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI).
Ngày 25/6/2021, CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest mua 3.719.923 cổ phiếu CTCP Thực phẩm Hà Nội (HAF) dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF nhưng không đăng ký chào mua công khai.
Ngoài số tiền phạt 200 triệu đồng, Văn Phú phải thực hiện từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm. Đồng thời, doanh nghiệp buộc phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.
Chủ tịch của Văn Phú - Invest là ông Tô Như Toàn. So với các chủ doanh nghiệp khác, Tô Như Toàn là người khá kín tiếng trên thị trường bất động sản.