Ngoài tiểu đường, căn bệnh này cũng khiến bạn hay khát nước

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 18:21, 10/09/2022

Theo các bác sĩ, đái tháo nhạt khiến người bệnh có thể rơi vào tình trạng hôn mê vì mất nước, họ luôn thấy khát nước và càng uống càng tiểu nhiều.

Đến khám tại bệnh viện, anh Nguyễn Văn H. 43 tuổi, ngụ tại TP.HCM cho biết khoảng 2 tuần nay anh rơi vào chứng uống nước vô độ kèm theo đi tiểu nhiều. Việc này khiến anh vô cùng mệt mỏi và khó chịu, nhất là ban đêm. Anh H. còn sợ không uống nước để khỏi đi tiểu nhưng khát không chịu được.

Cùng cảnh ngộ với anh H. là chị Đoàn Thị Quỳnh 41 tuổi, Bình Dương. Chị Quỳnh cho biết mình mắc chứng “mót tiểu”. Lúc nào chị Quỳnh cũng muốn đi tiểu. Chị đi mua thuốc bổ thận uống nhưng tình trạng càng nặng. Khi đến bệnh viện khám, chị Quỳnh mới biết là do bệnh đái tháo nhạt. Khi kiểm tra kỹ, bác sĩ phát hiện chị bị u tuyến yên gây ra tình trạng đi tiểu nhiều.

Theo TS BS Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Nước là môi trường giúp cơ thể hoạt động. Khi bạn uống nước đầy đủ thì nước thải ra ngoài cơ thể qua đường tiểu hoặc ra mồ hôi. Nhưng khi số lần đi tiểu nhiều, cơ thể có thể bị mất nước trầm trọng gây thiếu natri máu gây co giật, hôn mê, làm rối loạn hoạt động của tim, thận.

Ngoài tiểu đường, căn bệnh này cũng khiến bạn hay khát nước
Ảnh minh hoạ.

Một số người có cường độ tập luyện cao, làm việc trong môi trường nắng nóng có thể uống nước tới 4 lít thì họ sẽ đi tiểu nhiều tương đương với lượng nước nạp vào trường hợp này không đáng lo ngại. Còn nếu bị đi tiểu nhiều, miệng khát và phải uống nhiều nước khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn uống nước rồi tiểu liên tục, kể cả ban đêm thì là dấu hiệu đáng ngại.

Những người đi tiểu nhiều có đặc điểm nước tiểu thường không màu, không vị, thậm chí giống như nước lã, nước tiểu không có đường. Đây là bệnh lý đái tháo nhạt.

BS Nam cho biết có 3 nguyên nhân của đái tháo nhạt:

Thứ nhất, do tuyến yên. Người bình thường tuyến yên sẽ tiết ra chất ADH và đi tới thận, tác động lên tế bào ống thận làm cho thận tái hấp thu nước làm cho bạn không đi tiểu nhiều. Khi bạn đái tháo nhạt là do chất ADH bị thiếu hoặc hoạt động không tốt. Người ta hay gọi là đái tháo nhạt trung ương (tổn thương ở trên não). Trường hợp này có thể do bạn bị tai nạn chấn thương sọ não, u tuyến yên, viêm tuyến yên, viêm vùng tiết ra ADH.

Thứ hai, tuyến yên vẫn tiết ra ADH nhưng lại không tác động được tới thận. Trường hợp này do thận viêm, các thuốc làm cho ADH không tác động lên ống thận làm cho thận không tái hấp thụ nước nên nước tiểu thải ra đường tiểu nhiều.

Thứ ba, nguyên nhân tâm lý làm cho người bệnh luôn thấy khát và họ uống rất nhiều nước và càng uống nhiều nước tiểu càng nhạt. Bệnh nhân có thể đi tiểu từ 5-10 lít/ngày, thậm chí có thể lên tới 20-30 lít/ngày.

Để chẩn đoán đái tháo nhạt, BS Nam cho biết người bệnh sẽ được khám đánh giá xem có thiểu hooc môn ADH hay không? Người bệnh sẽ dùng liệu pháp nhịn nước để đo độ thẩm thấu nước tiểu. Nếu độ thẩm thấu của nước tiểu thấp đó là trường hợp đái tháo nhạt.

BS Nam cho biết đái tháo đường cũng gây đi tiểu nhiều do đường trong máu tăng cao và thận thải đường qua nước tiểu. Khi đó, đường đậm đặc kéo nước vào thận và gây ra đi tiểu tiện nhiều và cũng gây tình trạng mất nước.

Đái tháo nhạt khác đái tháo đường đó là thử nước tiểu không có đường. Người đái tháo nhạt không bị sụt cân. Còn người đái tháo đường nước tiểu mất nhiều đường và mất gluco nhiều nên họ bị sụt cân nhanh chóng.

Khi bị đái tháo nhạt người bệnh cần nhập viện để theo dõi và điều trị. Nếu do nguyên nhân chấn thương tinh thần hay nhiễm trùng nặng thì cần điều trị tích cực các chấn thương và tình trạng nhiễm trùng. Nếu do suy thận thì điều trị bệnh thận. Nếu do thiếu hormon ADH, có thể điều trị bằng phương pháp thay thế dùng nội tiết tố. Phụ nữ mang thai bị mắc đái tháo nhạt sẽ tự khỏi sau khi sinh.

K.Chi