Ai chịu trách nhiệm bồi thường trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương?
Pháp luật - Ngày đăng : 16:00, 10/09/2022
Đến thời điểm hiện tại, theo lực lượng chức năng, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy quán karaoke An Phú được xác định là do chập điện.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ nguyên nhân để có căn cứ xử lý phù hợp quy định. Song cho dù nguyên nhân cháy xuất phát từ lý do khách quan thì cơ sở kinh doanh karaoke vẫn phải có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Theo pháp luật hiện hành, kinh doanh karaoke, vũ trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải có đủ điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy, chữa cháy mới được phép hoạt động.
Thông tư 147/2020/TT-BCA thay thế Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ biện pháp đảm bảo an toàn PCCC với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Theo Điều 5 Thông tư này, với cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC, cụ thể:
Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn; Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC;
Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC;
Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC;
Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC.
Về trách nhiệm bồi thường, Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng nếu kết quả xác minh cho thấy, nguyên nhân là do cơ sở kinh doanh này không tuân thủ quy định, điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC, dẫn đến chập điện hoặc có những nguyên nhân khách quan nào khác, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về PCCC.
Nếu có đủ căn cứ khẳng định, người quản lý điều hành hoạt động kinh doanh karaoke đã vi phạm quy định về PCCC, dẫn đến hậu quả làm 3 người chết trở lên, cá nhân này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 7- 12 năm (Khoản 3, điều 313, BLHS 2015).
Ngoài ra, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho cá nhân đã bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản trong vụ cháy theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
"Việc các vụ cháy quán karaoke gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây cho thấy sự bất ổn trong công tác quản lý và việc tuân thủ thiếu nghiêm túc quy định về PCCC của các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Để tránh xảy ra những vụ việc đau lòng tiếp theo, cơ quan chức năng cần siết chặt điều kiện hoạt động của các cơ sở này, đồng thời xử phạt nặng, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với địa điểm cố tình vi phạm" - Luật sư Hồng Vân kiến nghị.