5 bất thường ở mắt là dấu hiệu bệnh tật của gan, túi mật, tụy, dạ dày và não bộ

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 14:00, 10/09/2022

Đôi mắt không chỉ là “cửa sổ tâm hồn” mà còn có thể cảnh báo nhiều bệnh tật nguy hiểm ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Bất thường ở mắt không chỉ đơn thuần là chấn thương hay bệnh lý ở riêng mắt. Vì vậy chúng ta cần hết sức lưu ý để không bỏ lỡ các dấu hiệu cảnh báo bệnh tật trên khắp cơ thể mà đôi mắt cho ta biết. Đặc biệt là 5 cảnh báo sau đây:

1. Mất thị lực thoáng qua

Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng từng gặp trường hợp đột nhiên trước mắt tối đen lại, không nhìn thấy gì trong vài giây. Nhưng vì chỉ chớp nhoáng rồi trở lại bình thường nên rất nhiều người không quá chú trọng đến nó. Đơn giản cho rằng mình bị hoa mắt hoặc quá mệt mỏi.

dau-hieu-canh-bao-benh-1.jpg

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nếu tình trạng này thường xuyên lặp lại, nhất là kết hợp đau đầu, chóng mặt, buồn nôn thì hãy cẩn trọng với bệnh về não. Phổ biến nhất là u não.

Một khối u bên trong não tạo ra nhiều thay đổi có thể nhìn thấy ở trong mắt như rối loạn lưu thông của dịch tủy, dẫn đến tăng huyết áp trong mắt, giảm thị lực, mất thị giác gián đoạn.

Mất thị lực thoáng qua do u não thường xảy ra cùng lúc ở cả 2 mắt, hay xuất hiện khi thay đổi tư thế đột ngột. Trong 1 số trường hợp khối u phát triển với kích thước lớn, người bệnh còn có thể luôn cảm thấy mắt bị chèn ép, khó chịu, có vật cản (tầm nhìn bị che khuất), giảm thị lực và hay mỏi mắt.

Ngoài khối u, nó cũng có thể là tín hiệu của việc giảm lưu lượng máu nội sọ và xuất hiện các huyết khối nhỏ li ti. Chúng ta cần cảnh giác cao độ với các vấn đề như xơ cứng động mạch, nhồi máu não có thể xảy ra.

2. Nhãn cầu lồi ra ngoài


Nhãn cầu lồi ra ngoài hay thường gọi là lồi mắt xảy ra do tổ chức hốc mắt bị tăng thể tích choán chỗ nên đẩy nhãn cầu ra phía trước.

dau-hieu-canh-bao-benh-2.jpg

Ảnh minh họa

Lồi mắt có thể do sưng nề phần mềm sau một chấn thương vùng đầu mặt. Nhưng cũng được xem là một trong những biến chứng nguy hiểm của nhiều bệnh khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là bệnh cường giáp - Basedow với dấu hiệu lồi cả 2 bên mắt cùng với các bất thường vùng cổ khác. Bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp cũng có thể bị lồi mắt kết hợp với suy giảm thị lực.

Còn lồi mắt một bên thường do có khối u tổ chức ngoại vi tại hốc mắt, khối vùng đầu cổ di căn. Nó cũng có thể là biến chứng do các bệnh lý viêm như viêm mô tế bào quanh hốc mắt, áp xe dưới màng xương… Hay tràn khí trong hốc mắt, rò động mạch cảnh xoang hang… cũng gây ra tình trạng này.

3. Mí mắt sưng húp

Mí mắt sưng có thể xuất hiện sau khi thức đêm, thiếu ngủ, khóc, ăn thừa muối hay dị ứng. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng phù nề vùng mắt không rõ nguyên nhân, không biến mất sau khi ngủ dậy nhiều tiếng hay đã điều chỉnh chế độ ăn uống thì đó là dấu hiệu của bệnh tật.

dau-hieu-canh-bao-benh-3.jpg

Ảnh minh họa

Ngoài các viêm nhiễm tại chỗ, sưng phù mí mắt thường cảnh báo các bệnh về rối loạn chức năng chuyển hóa. Phổ biến nhất là bệnh về thận, sau đó đến các bệnh gan mãn tính. Đôi khi, đây cũng là biến chứng từ 1 số bệnh liên quan đến tim mạch. Tốt nhất là bạn nên tìm đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

4. Quầng thâm mắt ngày càng đậm

Mắt thâm quầng là biểu hiện thường gặp khi bạn thức khuya hay mất ngủ. Nhưng đó cũng có thể là triệu chứng cảnh báo tình trạng sức khỏe của bạn như vấn đề về thận, gan, dạ dày, thậm chí là kinh nguyệt.

Y học cổ truyền cho rằng, quầng mắt bị thâm dù ngủ đủ là do thận yếu gây ra. Thận bị suy sẽ khiến 2 mắt bị thiếu tinh khí, mất thần, và làm xuất hiện quầng thâm đen. Hoặc người bị suy nhược thần kinh, có các bệnh nặng với hệ thống tiêu hóa cũng rất dễ bị thâm quầng vùng mắt. Phổ biến nhất là với những người mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính.

dau-hieu-canh-bao-benh-4.jpg

Ảnh minh họa

Mắt có quầng thâm đen còn là một biểu hiện bên ngoài của bệnh gan mãn tính. Đặc biệt khi chức năng gan không bình thường trong thời gian dài, hoặc ở người bị phù gan thì càng xuất hiện quầng thâm dưới mắt lâu hơn. Khoảng 20% người bị bệnh gan thường xuất hiện “quầng đen” ở những vùng cơ thể lộ ra ngoài như khuôn mặt, vùng quanh mắt…

Đối với chị em phụ nữ, nếu xuất hiện quầng thâm dưới mắt trong thời gian dài có thể do đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, lượng kinh ra quá nhiều hoặc bị xuất huyết tử cung.

5. Vàng mắt

Mắt vàng hoặc da vàng còn được gọi chung là bệnh JAUNDICE - bệnh vàng da. Chúng thường xuất hiện khi bạn mắc phải các bệnh lý về gan, tụy, mật.

Bilirubin là chất thải màu vàng được tìm thấy trong mật, chất lỏng làm từ gan giúp phân hủy chất béo. Nếu gan mắc bệnh, suy giảm chức năng dẫn tới không phân giải hiệu quả, lượng bilirubin trong máu quá cao gây ra vàng mắt. Các bệnh về gan gây vàng mắt thường gặp là viêm gan virus, xơ gan, gan nhiễm mỡ, ung thư gan…

dau-hieu-canh-bao-benh-5.jpg

Ảnh minh họa

Đồng thời, hiện tượng vàng mắt cũng có thể là do bệnh lý về túi mật hoặc tụy. Phổ biến như sỏi mật, khối u đường mật hoặc có thể là khối u ở bên ngoài nhưng gây chèn ép đường mật… Các rối loạn chức năng tụy cũng gây ra vàng mắt dù không quá phổ biến.

Nếu gan, mật, tụy gặp vấn đề, ngoài vàng mắt người bệnh còn gặp phải một số dấu hiệu khác như sụt cân, thường xuyên đau bụng, có thể bị sốt hoặc ớn lạnh. Ngoài ra, bệnh thiếu máu huyết tán cũng là một bệnh lý khiến bilirubin có thể được giải phóng quá nhiều và gây ra sự tích tụ bilirubin và gây vàng mắt.