Xúc động hình ảnh đường đến trường của các thầy giáo vùng cao
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:05, 10/09/2022
Ngày 9/9, trên các trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh các thầy giáo đẩy xe, lội bùn đất, băng qua những điểm sạt lở để vào điểm trường hết sức vất vả. Nhiều người xem hình ảnh đã bày tỏ sự xúc động và kính trọng với những người thầy tâm huyết, bất chấp mưa lũ để gieo con chữ nơi vùng sâu, vùng xa.
Được biết hình ảnh này diễn ra trên đường vào điểm trường Huồi Mới của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An).
“Điểm trường Huồi Mới cách trung tâm xã Tri Lễ hơn 10km. Sáng nay, các thầy giáo đã đi từ rất sớm nhưng cũng phải mất gần 4 tiếng, từ núi này qua núi khác mới vào tới nơi.
Mưa lớn, các tuyến đều sạt lở nên buổi học hôm nay không có em nào đến lớp. Giờ vào đây rồi các thầy cũng không ra được” - thầy Lê Xuân Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 bộc bạch.
Trường hiện nay có 30 giáo viên với 4 điểm trường: Mường Lống, Mậm Tột, Huồi Xái, Huồi Mới. Đa số các em học sinh là người H’Mông nằm rải rác trên dãy núi Phà Cà Tún.
Để huy động và duy trì tốt sĩ số học sinh là việc làm vô cùng khó khăn, vất vả… Cứ vào đầu tháng 8 của năm học mới, giáo viên lại phân chia nhau đi vào sâu trong nương rẫy vận động từng bậc phụ huynh, tạo điều kiện tốt nhất để đưa các em đến trường.
“Trường được thành lập từ năm 1982, tính đến nay đã 40 năm. Tất cả giáo viên của trường thầy giáo bởi rất khó để một giáo viên nữ nào có thể chịu được những khó khăn tại đây” - thầy Thắng chia sẻ.
Các thầy giáo nơi đây còn phải đối diện với rất nhiều cái "không": Không điện lưới, không sóng điện thoại, không mạng intertnet, không trạm y tế, không chợ, không nhà công vụ…
Đợt mưa kéo dài trong ba ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường ở huyện Quế Phong bị ngập nặng. Đặc biệt các xã như: Cắm Muộn, Quang Phong, Tri Lễ, Mường Nọc… mưa lớn, nước trên cao đổ về, dâng cao, chảy xiết khiến đứt gãy giao thông.
Những tháng mưa lũ, sạt lở, các thầy giáo tại đây đã quen với cảnh hết lương thực, thực phẩm, phải vào rừng hái măng, xuống suối xúc cá để có cái ăn qua ngày.
Gieo được con chữ cho những đứa trẻ vùng cao này, biết bao thế hệ thầy và trò cùng những người làm công tác giáo dục đã nỗ lực vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội cũng như phong tục tập quán còn lạc hậu của người dân nơi đây.