Tội phạm giới 'công bộc của dân' gia tăng, lừa đảo đi thẳng vào giường ngủ
Xã hội - Ngày đăng : 23:00, 09/09/2022
Thảo luận tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp thẩm tra các báo cáo tư pháp vào ngày 9/9, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ lo lắng về tình trạng tội phạm nổi lên thời gian qua, đặc biệt là tội phạm trong giới "công bộc của dân" gia tăng.
Đau xót khi hàng nghìn cán bộ công chức bị khai trừ đảng, bị xét xử
“Chúng ta phải cảnh giác. Đi ra đường cảnh giác, ở nhà cũng phải cảnh giác cho người thân và gia đình. Tội phạm lừa đảo trên mạng đi thẳng vào giường ngủ, vào bàn ăn của mình. Vì vậy, ở nhà cũng phải cảnh giác. Điện thoại của chúng ta mỗi ngày nhận được bao nhiêu tin nhắn lừa đảo”, luật sư Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.
Theo ông Nghĩa, có những tội phạm tồn tại trong một thời gian dài nhưng không bị phát hiện, cho thấy có vấn đề phòng và chống.
Tình trạng công chức nhà nước nhận hoa hồng lót tay của DN, của người dân để nâng giá, mua hàng giá cao bằng tiền ngân sách hoặc bỏ qua, làm ngơ các vi phạm, tội phạm; nhận tiền hối lộ, bồi dưỡng, quà cáp...
“Phải chăng, tình trạng này tồn tại lâu rồi và khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Cho đến khi xảy ra vụ Việt Á hay Cục Lãnh sự, FLC, Tân Hoàng Minh thì mới bộc lộ “phần nổi của tảng băng”, vì đã đạt đến quy mô quá lớn và quá trắng trợn, không che giấu được”, đại biểu Nghĩa nói. Ông băn khoăn, còn biết bao nhiêu vụ tương tự như thế đang diễn ra và chưa bộc lộ?
Đại biểu cũng bày tỏ, không chấp nhận được vụ cháy quán karaoke khiến 32 người thiệt mạng, trong khi năm nào cũng có kiểm tra.
“Vấn đề phòng tội phạm, không phải là mỗi năm anh đi kiểm tra 1 lần hay 3 lần, 4 lần mà vấn đề khi anh kiểm tra, họ làm đúng nhưng đoàn kiểm tra về rồi họ mới vi phạm. Vi phạm đó không được phát hiện cho nên mới xảy ra chết người”, ông Nghĩa phân tích.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, phải suy nghĩ cách phòng thế nào để không xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì “ít, nhỏ, thấp” thì phòng mới có kết quả.
“Vừa rồi, hàng nghìn cán bộ công chức trung cấp, cao cấp bị khai trừ đảng, bị xét xử trong hàng trăm vụ án. Điều này rất đau xót. Tôi cho rằng trong phòng chống tội phạm, nếu chúng ta ngăn chặn được từ sớm, từ xa thì biết bao nhiêu tổn thất, thiệt hại về người, của, vật chất, tinh thần chúng ta tránh được”, đại biểu bày tỏ.
Cần thay đổi đột phá về phương pháp, chính sách trong công tác cán bộ
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng lưu ý, một vấn đề nổi lên thời gian qua là tình trạng gia tăng tội phạm trong giới "công bộc của dân". Ngay bạo hành với hàng xóm cũng có ông công chức, cán bộ. Hay như vụ bạo hành người tình của cán bộ quản lý thị trường có vợ con nhưng đi hát karaoke, ghen tuông, lôi người tình về hành hạ, xé quần áo, quay video và xác định thương tích đến 21%...
Cạnh đó, cũng có trường hợp cán bộ công chức xâm hại trẻ em, quấy rối tình dục, chạy án như vụ Thủ Đức, các vụ Việt Á, Cục Lãnh sự, FLC, Tân Hoàng Minh...
“Cử tri quan tâm đến tội phạm trong công bộc, công chức bởi người dân chờ đợi ở họ những quy chuẩn đạo đức cao hơn thông thường. Và người dân tin rằng khi tuyển dụng họ vào bộ máy nhà nước thì quy trình tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm rất chặt chẽ, thử thách trong thời gian rất dài”, ông Nghĩa bày tỏ.
Đặc biệt, trong lúc khó khăn, đảo lộn do dịch Covid-19 đã có rất nhiều công bộc bất chấp nguy hiểm tính mạng để cứu dân, hy sinh lợi ích của gia đình thì một nhóm công chức cao cấp lại cấu kết với nhau một cách có hệ thống để trục lợi rất lớn.
“Chúng tôi cho rằng hàng ngàn vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hại nhưng khó có thể so sánh với mức độ nguy hiểm, thiệt hại lớn như vụ Việt Á, Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Bởi các vụ án này làm mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Đại biểu cho rằng, hiện người dân đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhưng cũng không ít cử tri và người dân chưa thực sự tin rằng chúng ta có thể ngăn chặn và giảm thiểu nạn tham nhũng một cách căn cơ, dài hạn.
“Cần có thay đổi mang tính chất đột phá về phương pháp, chính sách trong công tác cán bộ. Những người dày dặn công tác mấy chục năm đưa lên vị trí rất cao rồi cuối cùng lại phải đứng trước vành móng ngựa thì công tác cán bộ phải xem xét lại. Từ phòng chống tội phạm, tham nhũng, chúng ta phải đề xuất cho được về chính sách cán bộ thì mới căn cơ”, ông Nghĩa đặt vấn đề.