Mạo danh sự kiện của Apple để lừa đảo tiền số

Cuộc sống số - Ngày đăng : 15:30, 09/09/2022

Một cá nhân đã lợi dụng đoạn video phỏng vấn cũ của CEO Tim Cook để phát sóng trực tiếp trên YouTube, với mục đích lừa đảo trong lĩnh vực tiền số.

Đây không phải trò lừa mới mà từng xuất hiện trên YouTube trước đây và người xem đã cảnh giác hơn. Dù vậy, theo The Verge, video phát sóng trực tiếp này đã thu hút tới hàng chục nghìn người xem. Sự kiện giả mạo này gây sự chú ý với người xem bằng cách điền các từ khóa của Apple trong phần tiêu đề và mô tả.

Tất nhiên, người xem đã nhanh chóng phát hiện điều bất thường về sự kiện này. Theo đó, tiêu đề video là “Apple Event Live - Ceo of Apple Tim Cook: Apple & Metaverse in 2022”, ám chỉ nội dung Táo khuyết tổ chức sự kiện về chủ đề blockchain. Ngoài ra, video này chỉ chiếu một đoạn phỏng vấn cũ của CEO Tim Cook với CNN vào năm 2018.

Gia mao su kien Apple anh 1
Cuộc phỏng vấn cũ của CEO Tim Cook bị lợi dụng trong video sự kiện giả mạo. Ảnh: The Verge.

Người phát trực tiếp đã thêm biểu tượng Bitcoin và Ethereum vào video, che biểu tượng CNN Money bằng dòng chữ “Sự kiện tiền mã hóa 2022 của Apple” và thêm dòng chữ in đậm “Tin nóng” ở dưới cùng. Song, khi người dùng bấm vào liên kết, nội dung này không liên quan đến Apple.

Điều này cho thấy kênh có một mục đích khác nhưng đã bị những kẻ xấu chiếm quyền điều khiển và sử dụng để phát sóng sự kiện trực tiếp, theo The Verge.

YouTube không đưa ra bình luận sau sự việc. Ngay sau khi vấn đề này bị báo cáo, video đã bị xóa do vi phạm điều khoản dịch vụ của YouTube.

Theo chia sẻ từ tác giả Jay Peters của The Verge, video giả mạo được đề xuất trên trang chủ YouTube của anh. Ngay khi Peters bấm vào xem, có khoảng 16.000 người đang theo dõi trực tiếp. Thậm chí, video giả mạo này còn thu hút hơn 70.000 người xem vào lúc đỉnh điểm.

Ngoài ra, một video giả mạo khác cũng bị phát hiện khi nó đề cập đến sự kiện có sự góp mặt của Tim Cook, Elon Musk với chủ đề metaverse. Video này cũng thu hút tới hơn 10.000 lượt xem và gắn liên kết đến một trang web về tiền mã hóa trong cửa sổ trò chuyện. Hiện tại, video giả mạo này đã bị xóa.

(Theo Zing)