Muôn màu Streamer

Nhịp sống - Ngày đăng : 14:38, 09/09/2022

Đầu năm học mới, một cô bé sinh viên làm tôi hơi bất ngờ khi tỏ ra giận dỗi, đòi chuyển lớp ngay buổi đầu. Lí do có liên quan tới… TikToker và streamer.

Hỏi ra, cô sinh viên xinh đẹp này hiểu nhầm rằng trong bài giảng, tôi có phần chê bai các follower của những hot TikToker hay Youtuber livestream hàng chục ngàn người xem, có content triệu view là “fan ảo”, tức quyền lực của giới sáng tạo nội dung online do đó cũng không có thật.

Sau một hồi “nói lại cho rõ”, cô mới nguôi nguôi và chịu về chỗ, nhận là đã hiểu nhầm ý tôi. Nhưng có lẽ câu chuyện về những streamer, TikToker hay content creator nói chung vẫn chỉ mới bắt đầu, và sẽ còn dài lâu.

nghe-tiktoker-4.png
Câu chuyện của những streamer hay conten creator mới bắt đầu và sẽ còn dài lâu.

Ai là streamer?

Mạng xã hội (MXH) đang tác động đến con người một cách sâu sắc. Không chỉ giao tiếp, nhiều hoạt động khác của chúng ta luôn gắn liền với mạng xã hội, như mua bán, giải trí, thậm chí hò hẹn yêu đương cũng cần MXH đưa đường dẫn lối. Và một dạng nghề mới đang được giới trẻ ưa chuộng đã “nảy nở” trên không gian này: streamer.

Ngày càng nhiều bạn trẻ tự đầu tư máy móc, thiết bị.. thậm chí ứng tuyển vào các công ty truyền thông để làm streamer. Nhiều streamer còn tiết lộ có thu nhập “khủng” từ công việc này. Có thể thấy, công việc streamer ngày càng trở nên khá phổ biến.

streamer.jpg

Hiểu một cách đơn giản, streamer là những nhà sáng tạo nội dung (content creator) trên nền tảng số, mà đa phần là MXH. Khác với các nhà sáng tạo nội dung khác ở chỗ, họ thường xuyên hoạt động và định danh bằng cách thực hiện các nội dung trực tiếp (streaming), ví dụ: bán hàng online, tổ chức một buổi toạ đàm online,…

  • Vì streamer kiếm tiền từ nội dung họ streaming, nên có thể xem là một dạng nghề trong số các nghề sáng tạo nội dung online. Về tiêu chí hoạt động cụ thể, có lẽ cần phải có một khung quy chuẩn riêng, hiện nay điều này vẫn còn thiếu, do đây là một nghề nghiệp còn khá mới ở nước ta. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng nghề này không mới ở các nước tiên tiến, nhưng với tính cá tính mạnh, ưa thích hoạt động cá nhân hoặc theo ekip riêng của các nhà sáng tạo nội dung số, họ cũng không có nhiều nhu cầu hoạt động trong các hội nghề nghiệp truyền thống.
  • Làm streamer thì kiếm tiền bằng cách nào? Có nhiều cách streamer kiếm tiền, ví dụ: qua sự quyên góp (donate) của cộng đồng hâm mộ, qua việc bán hàng online, hoặc nhờ sự tài trợ của các nhãn hàng và cả tiền từ số lượt xem từ MXH.
  • Hai mặt đồng xu của tự do trên MXH

Theo quan sát cá nhân của tôi, streamer tại Việt Nam cũng không quá khác biệt so với các nước. Mặt tiêu cực cũng có, ví dụ như bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay livestream vô tình đưa thông tin sai lệch đến cộng đồng, hoặc có hành vi, cử chỉ khiêu dâm khi streaming.

Nhưng những streamer này không đến nỗi “con sâu làm rầu nồi canh”. Chúng ta nên nhìn nhận vào các mặt tích cực để cổ vũ cái mới, vì cái mới bao giờ khi xuất hiện cũng khó khăn và cần sự hỗ trợ rất nhiều để đứng vững. Nhiều streamer đã mang lại các kênh kiến thức hữu ích trên Youtube, TikTok hay facebook.

Ngoài ra, các streamer cũng tạo ra những kênh mang tính vừa giáo dục cộng đồng, vừa góp phần củng cố tư duy phản biện cho người Việt, ví dụ như kênh của TS. Vũ Thế Dũng, một chuyên gia về Tư duy phản biện. Đó là những điểm sáng khiến các bạn trẻ yêu thích loại hình “nội dung số” và lan toả kiến thức lẫn khả năng xử lý vấn đề thực tiễn.

nhung-lan-streamer-va-mieng-day-tai-hai-nguoi-vuong-phap-luat-ke-bi-cam-vinh-vien-streamer-1661491620-17-width780height463.jpg

Nhiều người đang có quan điểm hơi cực đoan về streamer, dựa trên những thực tế quanh họ. Tôi tin rằng không nên xếp các cá nhân có sử dụng hình thức livestream nhằm mục đích xúc phạm, chửi bới người khác hay câu view bằng cách hình thức kích dục để “dụ” người chơi cờ bạc vào cộng đồng content creator nói chung hay streamer nói riêng. Lí do rất đơn giản: họ đang không thực sự tạo ra giá trị và kiếm tiền chân chính bằng hoạt động tạo nội dung lành mạnh.

Do đó rõ ràng các cơ quan chức năng như bộ Thông tin - truyền thông cũng như các cơ quan quản lý về văn hoá, tư tưởng,… cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hình thức livestream, nhằm tránh những sự nhiễu loạn xã hội, có thể dẫn đến kích động, gây rối trật tự hoặc các tình huống xấu hơn.

Có chăng sự thiếu hụt về chính sách quản lý streamer? Xin dành phần phân tích sâu hơn về chính sách cho các chuyên gia về chính sách công và giới luật gia. Về góc độ nghiên cứu truyền thông, tôi cho rằng ở bất cứ xã hội nào, việc chính quyền quản lý dư luận lúc nào cũng nhạy cảm và khó khăn.

Do đó cần có sự thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng của Quốc hội trước khi đưa ra một chính sách quản lý streamer hay content creator nói chung, để tránh những mâu thuẫn không đáng có trong tư duy hành pháp, lập pháp hiện nay với suy nghĩ của thế hệ trẻ.

Lê Anh Tú- Giảng viên khoa QHCC - TT - ĐH Văn Lang