Hồ sơ mật - Điệp viên tỷ đô của CIA là ai? - Phần 2

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:32, 09/09/2022

Không một ai trong CIA biết lý do về sự biến mất của điệp viên tỷ đô Adolf Tolkachev, một kỹ sư radar tại Phazotron - nhà phát triển radar quân sự lớn của Liên Xô.

Mang bí danh CKSPHERE, Tolkachev đã hết sức táo tợn, đánh cắp hàng loạt các bảng mạch và bản thiết kế nhạy cảm từ phòng thí nghiệm quân sự nơi mình làm việc và chuyển chúng cho CIA. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi tiếp cận CIA, Tolkachev đã cung cấp nhiều thông tin tuyệt mật về các hệ thống radar, bản thiết kế máy bay và nhiều hệ thống khí tài quân sự khác.

Cuối năm 1982, CKSPHERE, bí danh của Tolkachev, đột nhiên “lặn mất tăm”. Ảnh: Washington Post

Thế nhưng, cũng đột ngột như lúc tìm đến với CIA, cuối năm 1982, CKSPHERE đột nhiên “mất tăm” và không một ai trong CIA biết được lý do vì sao. Phải chăng sự phản bội của Tolkachev đã bị phát hiện? Liệu có phải Tolkachev đang bị theo dõi? Hay đã bị bắt? Trên thực tế, Tolkachev không phải là điệp viên chuyên nghiệp mà chỉ là một kỹ sư. Rất có thể một sai lầm hay bất cẩn nào đó đã xảy ra!

Tiếp cận CIA

Hoạt động của CKSPHERE được ghi chép cụ thể trong 944 trang điện tín mật của CIA trong chiến dịch tình báo Tolkachev đã được CIA giải mật vô điều kiện. Từ những tài liệu này và nhiều cuộc phỏng vấn với những người trong cuộc, bức tranh đặc biệt về sự phản bội của Tolkhachev đã được tái hiện một cách rõ nét với chi tiết từng cuộc gặp trong giai đoạn 6 năm hoạt động chống phá chính quyền Xô viết.

Tháng 1-1977, Adolf Tolkachev chủ động tiếp cận Cụm trưởng cụm tình báo Moscow của CIA tại một cây xăng, để lại một bức thư gài dưới cần gạt mưa chiếc xe của viên cụm trưởng. Nội dung bức thư đề nghị gặp “một quan chức Mỹ phù hợp” để thảo luận “những vấn đề tuyệt mật”. Thế nhưng phải 2 năm sau, CIA mới tìm đến Adolf Tolkachev. Đó là bởi trong thời gian đó, CIA liên tục bị “dính bẫy” của KGB, làm lộ tẩy nhiều đặc vụ có bình phong tốt đang hoạt động tại Moscow và đồng thời bị gài thông tin giả.

Cây xăng ở Moscow, nơi Adolf Tolkachev tìm cách tiếp cận CIA lần đầu tiên vào ngày 12-1-1977. Ảnh: Washington Post

Tính từ thời điểm đó tới giữa năm 1977, Tolkachev đã tìm cách tiếp cận 4 lần nhưng CIA đều không hồi đáp. Lần thứ 5 diễn ra vào tháng 12-1977 và trong lần tiếp cận này, ngoài thông điệp muốn tuồn thông tin mật cho CIA, Tolkachev gửi kèm theo 2 trang tài liệu kỹ thuật điện tử, đúng thứ CIA đang cần. Chỉ đến khi đó CIA mới quyết định “tuyển” Tolkachev. Đề nghị tuyển Tolkachev được Cụm trưởng tình báo Moscow Gardner R. Hathaway trực tiếp gửi về tổng hành dinh CIA sau khi chứng kiến sự táo tợn và thực hiện hành động phản bội bằng mọi phương cách của viên kỹ sư radar này. Từ đây, Tolkachev bắt đầu bước đường phá hoại Nhà nước Xô viết và trở thành điệp viên tỷ đô của CIA.

Nghe lén – cuộc chiến gián điệp trong Chiến tranh Lạnh

Cụm tình báo Moscow hoạt động trong một căn phòng bằng kích thước của một toa tàu chở hàng bên trong Đại sứ quán Mỹ. Các đặc vụ hoạt động thường tập trung quanh một chiếc bàn nhỏ để nghiên cứu các loại bản đồ và lên phương án cụ thể cho từng bước hoạt động.

Trong nhiệm kỳ CIA đầu tiên của mình, David Rolph giữ vai trò là đặc vụ hoạt động, điều hành lưới điệp báo đơn tuyến Tolkachev vào năm 1980. Chiều muộn ngày 14-10, Rolph rời cụm tình báo và đi về nhà. Một giờ sau, Rolph quay lại trước cổng đại sứ quán cùng vợ trong trang phục dạ tiệc. Họ đi qua mấy hành lang hẹp, đến một trong các căn phòng, mở cánh cửa vốn đã hé sẵn. Đó là căn phòng của trợ lý kỹ thuật cụm điệp báo Moscow, có trách nhiệm giúp các nhân viên hoạt động với trang thiết bị ngụy trang và nghi binh, bao gồm từ máy quét sóng vô tuyến tinh vi cho đến những thanh giả gỗ.

Một trong những thiết bị nghe lén được sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Russia Beyond

Người trợ lý kỹ thuật ra hiệu cho Rolph im lặng. Hai người có chiều cao và vóc dáng gần như nhau. Họ lặng lẽ hóa trang và Rolph dần “biến hình” thành vị chủ nhà. Từ phía ngoài cửa, Chỉ huy trưởng bộ phận kỹ thuật vừa đến, cố tình nói to: “Này, chúng ta có nên đi xem cái cửa hàng điện máy mới đó không nhỉ?” Viên trợ lý cũng nói to, đáp lại: “Hay đấy! Ta đi thôi”. Kế đó, có hai bóng người bước ra khỏi căn phòng. Trên thực tế, người trợ lý thật không hề rời căn hộ. Người thực sự rời khỏi nơi đó và trông giống như người trợ lý kỹ thuật chính là Rolph. Trong khi đó, người trợ lý thật kéo ghế ra, chờ đợi. Vợ Rolph trong bộ đầm dạ tiệc cũng ngồi xuống và sẽ đợi ở đó trong 6 giờ. Cả hai không được phép nói thêm bất cứ từ nào, bởi rất có thể họ vẫn đang bị nghe lén.

Đó là những gì diễn ra ngay trong Đại sứ quán Mỹ tại Moscow để đề phòng nghe lén. Trong những năm Chiến tranh Lạnh, việc nghe lén đại sứ quán hoặc ghi lén thông tin từ đường dây liên lạc là điều thường được cả hai phe thực hiện nhằm khai thác thông tin của nhau. Theo thông tin từ hơn 900 trang tài liệu giải mật nói trên, CIA đã gài những thiết bị nghe lén thông qua hệ thống cống ngầm ở ngay Moscow. Theo đó, những thiết bị nghe lén được gắn vào cáp truyền thông chạy dưới cống ngầm và ghi lại những thông tin chạy qua đó. Định kỳ, nhân viên CIA sẽ tìm cách lấy thiết bị ghi âm, thay pin và lọc những thông tin quan trọng. Một trong những thiết bị như thế này được CIA sử dụng tại Moscow, có mật danh là CKELBOW, đã tiêu tốn của CIA khoảng 20 triệu USD theo thời giá của thập niên 1960.

Điệp viên tỷ đô và cuộc gặp chớp nhoáng

Điểm quan trọng của việc thay hình đổi dạng là để Rolph có thể ra khỏi đại sứ quán mà không bị phát hiện. Khi đã lăn bánh trên đường phố bằng một vỏ bọc ngụy trang, nhân viên cụm tình báo Moscow thường chạy xe chậm rãi, không theo quy luật. Hôm nay, mục tiêu của Rolph là trực tiếp gặp mặt Adolf Tolkachev.

Để đến được điểm hẹn, các đặc vụ phải di chuyển lòng vòng qua nhiều tuyến phố. Ảnh minh họa: International Spy Museum

Xe đã chuyển bánh, rời đại sứ quán, nhưng có vẻ như chẳng có nơi nào Rolph có thể dừng lại một cách an toàn. Họ phải lòng vòng qua nhiều tuyến phố để “cắt đuôi”. Sau một tiếng rưỡi di chuyển, Rolph cởi bỏ lớp ngụy trang, gói gọn vào một chiếc túi nhỏ đặt trên sàn xe, với tay cầm lấy túi đồ đã chuẩn bị để chuyển cho Adolf Tolkachev và khoác lên mình một chiếc áo dạ. Chiếc xe dừng lại, Rolph bước nhanh ra ngoài, hướng thẳng về một đại lộ, đi thẳng đến ga tàu điện. Lên tàu điện, Rolph dừng lại ở ga kế tiếp và chậm rãi bước đi trong tiết trời cuối thu đã khá lạnh và ẩm ướt. Tới một nhà hát nhỏ, Rolph dừng lại đọc thông báo và poster chương trình biểu diễn dán trên tường rồi mua vé, những chiếc vé cho buổi biểu diễn mà Rolph hoàn toàn không có ý định tới xem. Đây là điểm dừng chân ngụy trang thứ hai. Rolph rời nhà hát, đi bộ đến một cửa hàng đồ cổ, trước khi đi vào một tòa chung cư gần đó. Sau khi đi lên cầu thang bộ một quãng, Rolph rời chung cư, bước vào một công viên nhỏ, ngồi xuống một băng ghế và liếc nhìn đồng hồ. Điểm hẹn cách đó không xa. Vài giây sau, Rolph đứng dậy, rời băng ghế.

Cuộc gặp với Adolf Tolkachev đã diễn ra nhanh chóng và hoàn hảo. Trong lần gặp này, Tolkachev chuyển giao 25 cuộn phim chứa ảnh chụp nhiều tài liệu tuyệt mật. Kết thúc “giao dịch”, Rolph quay trở lại chiếc xe đang đợi sẵn, lại đeo vào bộ râu và tóc giả. Cánh cửa sứ quán lại mở ra. Chiếc xe chui vào. Lát sau, David Rolph và vợ rời bữa tiệc tối tại đại sứ quán như chưa hề có cuộc gặp nào với CKSPHERE.

(còn nữa)

HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ The Washington Post, The Atlantic, Russia Beyond, sách “The billion Dollar Spy: A True Story of Cold War Espionage and Betrayal”)