Bộ Y tế giục khẩn tìm nguồn cung thuốc trị sốc sốt xuất huyết cứu bệnh nhân

Tin Y tế - Ngày đăng : 12:23, 09/09/2022

Để cung cấp thuốc chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, ngày 9/9, Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70.

Trên cả nước, tình hình dịch sốt xuất huyết tiếp tục có diễn biến phức tạp. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 190.000 ca mắc, 72 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue, dung dịch cao phân tử được hướng dẫn sử dụng trong điều trị sốc sốt xuất huyết gồm: Dextran 40, dextran 70, hydroxyethyl starch 6% 200.000 dalton.

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: T.M

“Các dịch truyền chứa dextran 40 hoặc dextran 70 hiện không có sản phẩm nào có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam”, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết ngày 9/9. Việc cung ứng thuốc phải thông qua hình thức cấp phép nhập khẩu chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu thuốc gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở nước ngoài cung ứng thuốc vào Việt Nam. Ông Dũng cho hay hiện chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho nước ta.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, số bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, số ca nặng tăng nhanh, cuối tháng 8, Cục Quản lý Khám chữa bệnh gửi công văn sang Cục Quản lý Dược để cung cấp thông tin tổng hợp về nhu cầu sử dụng dịch truyền dextran từ các cơ sở khám chữa bệnh tính đến ngày 31/8.

Theo đó, tổng cộng nhu cầu dịch truyền của 48 địa phương, 9 bệnh viện trực thuộc Bộ là hơn 31.200 túi. Trong đó, 32 đơn vị có công văn đề xuất nhu cầu là 13.708 túi dextran 40 và cam kết nhận hàng. Ngoài ra, 25 đơn vị khác đề xuất với 17.537 túi dextran.

Tuy nhiên, thông tin đề xuất của 25 đơn vị này mới chỉ được ghi nhận trên hệ thống dự trù trực tuyến của Cục Quản lý Khám chữa bệnh mà chưa có công văn dự trù. Các bệnh viện được nêu tên như: Bệnh nhiệt đới Trung ương (đề xuất 100 túi); Bạch Mai, Hữu Nghị, Nhi Trung ương… (50-60 túi).

Về các sở y tế, TP.HCM là địa phương dự trù cao nhất với 7.330 túi; An Giang (4.260 túi); Cần Thơ (1.040 túi); Long An (785 túi)...

Việc thiếu thuốc Dextran 40 được phản ánh, ghi nhận ở nhiều tỉnh/thành từ hồi tháng 6. Cuối tháng 7, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương khẩn trương mua sắm để kịp thời cung ứng dịch truyền điều trị cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, thực tế, tại một số bệnh viện, tình hình thiếu dịch truyền chứa dextran 40 vẫn tiếp tục diễn ra.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, giữa tháng 8, thuốc cao phân tử chứa dextran 40 vẫn thiếu, bệnh viện phải thay thế các dung dịch cao phân tử khác như Hes 130.000.

BSCKI Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết dung dịch này theo nghiên cứu chỉ điều trị cho những trường hợp sốc nhẹ. Những trường hợp tái sốc, nhập viện trong tình trạng trễ, sốc nặng, mạch không bắt được, huyết áp khó đo thì việc điều trị bằng dung dịch Hes 130.000 kém hiệu quả.

Theo bác sĩ Tiến, nếu có đủ dung dịch dextran 40, các bác sĩ sẽ đỡ vất vả, bởi đây là thuốc cơ bản mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị bệnh nhân sốc sốt xuất huyết.

Để cung cấp thuốc chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, ngày 9/9, Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70.

Sau khi tìm được nguồn cung ứng, các cơ sở nhập khẩu này cũng phải liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục.

Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị cung ứng đầy đủ thuốc theo dự trù của các Sở Y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ khi nhập khẩu được thuốc và báo cáo về Cục Quản lý Dược về tình hình nhập khẩu.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng ở miền Bắc xuất hiện sớm, tăng nhanh, tỷ lệ tử vong bất thường

Trả lời chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỷ lệ tử vong cũng được coi là bất thường khi cao hơn hẳn so với các năm trước đó. Đơn cử, chỉ trong 1 tuần, có tới 4 ca sốt xuất huyết tử vong ở viện này.

Bác sĩ Cấp đưa ra nhiều yếu tố lý giải cho sự bất thường đó.

Thứ nhất, có thể do đặc tính của chủng virus Dengue gây bệnh năm nay, cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mắc bệnh này sau nhiễm Covid-19, có các thay đổi về miễn dịch góp phần ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân.

Thứ 2 là ngành y tế đang gặp khó khăn, nhiều nơi thiếu thuốc hoặc nhân lực, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Thứ 3 là đáp ứng điều trị, suốt 2 năm qua, cả hệ thống y tế tập trung vào phòng và điều trị Covid-19, đã xuất hiện tình trạng có nơi, có lúc, một số bác sĩ "quên" kiến thức về sốt xuất huyết.