Dấu hiệu Trung Quốc sắp nới lỏng chính sách "Không Covid"?
Đối ngoại - Ngày đăng : 19:11, 08/09/2022
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong số ít các nhà lãnh đạo trên thế giới không công du nước ngoài trong 2 năm qua vì đại dịch Covid-19.
Vì vậy, hồi giữa tháng 8, khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 tới, đã có nhiều đồn đoán cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách "Zero Covid" (Không Covid) lâu nay.
Xu hướng đó dường như được củng cố hơn nữa khi vào ngày 6/9, chính phủ Kazakhstan thông báo, ông Tập sẽ thăm quốc gia Trung Á này vào tuần tới. Ông Tập sẽ gặp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev để hội đàm "các vấn đề đối tác chiến lược toàn diện vĩnh viễn, phát triển hợp tác chính trị, thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo".
Kazakhstan sẽ là điểm công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ sau khi đại dịch bùng phát và chuyến thăm chỉ diễn ra vài tuần trước thềm đại hội quan trọng của đảng Cộng sản Trung Quốc vào giữa tháng 10.
Chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Bắc Kinh hạn chế đi lại trong và ngoài nước. Ông Tập cũng như nhiều lãnh đạo khác không rời Trung Quốc từ khi đại dịch bùng phát vào cuối năm 2019.
Trong số 25 ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, chỉ có ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương, từng công du nước ngoài sau khi đại dịch bùng phát.
Hiện chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra nhưng ông Tập dự kiến cũng sẽ đến Uzbekistan để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tuần tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng sẽ bắt đầu chuyến công du dài 11 ngày vào 7/9, với điểm đến đầu tiên ở Nga. Đây là những dấu hiệu cho thấy các quan chức hàng đầu Trung Quốc đang nối lại các chuyến công du quốc tế.
Nới lỏng dần dần
Nhưng trong khi hoạt động ngoại giao đang khởi động trở lại, các nhà phân tích cho rằng, ít có khả năng có thay đổi đột phá trong chính sách Zero Covid của Trung Quốc - ngay cả sau đại hội đảng. Thay vào đó, các hạn chế có thể chỉ sẽ được nới lỏng dần dần.
Trong hơn 2 năm, các quan chức Trung Quốc đã được lệnh "đề phòng các ca nhiễm nhập cảnh và ngăn chặn sự lây lan của làn sóng Covid-19 ở trong nước".
Để đạt được điều đó, du khách nhập cảnh vào nước này phải trải qua một giai đoạn kiểm dịch nghiêm ngặt. Nếu muốn đến Bắc Kinh, trước tiên họ phải cách ly ở một thành phố khác và đợi cho đến khi mã số sức khỏe chuyển sang màu xanh thì mới được đến thủ đô.
Hầu hết công dân Trung Quốc chỉ có thể đi ra nước ngoài để học tập, công tác hoặc thăm gia đình. Du lịch không được khuyến khích.
Tương tự, rất ít quan chức cấp cao, ngoài các nhà ngoại giao hàng đầu, đã nước ngoài trong 2 năm qua. Ông Tập đã không đến thăm bất kỳ quốc gia nào khác kể từ sau chuyến công du Myanmar vào tháng 1/2020 và chỉ có chuyến thăm ngắn ra khỏi đại lục là tới Hong Kong hồi tháng 7.
Tuy nhiên, đã có dấu hiệu chuyển dịch trong những tháng gần đây. Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã dẫn đầu phái đoàn đến Hàn Quốc hồi tháng 5 để dự lễ nhậm chức của Tổng thống Yoon Suk-yeol và Bộ trưởng Môi trường Hoàng Nhuận Thu đã đến thăm Mỹ vào tháng 6.
Trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc cũng không đề cập đến việc liệu chuyến đi có phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị chấm dứt chính sách Zero Covid hay không.
Hiện nay tại Trung Quốc, các biện pháp phòng dịch Covid-19 vẫn đang được tiến hành chặt chẽ.
Trong khi việc phong tỏa một phần Thâm Quyến, thành phố 12 triệu dân, đã được nới lỏng trong vài ngày qua, các hạn chế đi lại ở Thành Đô, nơi sinh sống của 21 triệu người, lại được mở rộng để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.
Trung Quốc đang tăng gấp đôi chiến dịch xét nghiệm PCR, phong tỏa nhanh và các quan chức chính phủ cố gắng duy trì sự ổn định chính trị và tránh gia tăng các trường hợp trước đại hội đảng. Chính quyền trung ương đã cắt giảm thời gian cách ly đối với du khách đến và bắt đầu cho phép sinh viên quốc tế quay trở lại.
Vào cuối tháng 6, Trung Quốc giảm một nửa thời gian cách ly đối với những người nhập cảnh xuống còn 7 ngày tại các cơ sở được chỉ định và 3 ngày giám sát y tế. Nước này cũng sắp xếp hợp lý quá trình khai báo xét nghiệm PCR vào cuối tháng 8.
Theo SCMP, người dân ở đại lục đang chờ xem liệu giới chức chính quyền Bắc Kinh có cắt giảm cách ly đối với du khách xuống còn 3 ngày như Hong Kong đã thực hiện hay không. Người dân cũng chờ đợi chính phủ xem xét nới lỏng điều kiện xuất cảnh khi nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng nhập cảnh cho du khách.