Lo con thấp còi, cha mẹ lạm dụng vitamin D dẫn đến trẻ ngộ độc
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:42, 08/09/2022
Nhiều trẻ bị nhập viện vì lạm dụng vitamin D
Nhiều phụ huynh vì muốn con phát triển chiều cao, đã mua đủ loại thực phẩm chức năng với mong muốn con mình được cao lớn, tuy nhiều điều này đã vô tình khiến nhiều trẻ bị ngộ độc.
Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp hai anh em ruột V.L.(3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều. Gia đình hai bé cho biết hằng ngày gia đình đều đặn cho hai bé uống vitamin D từ sau sinh.
Gia đình thấy cháu thích uống, nghĩ rằng vitamin là thuốc bổ uống nhiều cũng không sao nên để hai cháu uống tùy thích, uống trực tiếp từ lọ, nhiều hơn liều quy định nhiều lần trong thời gian dài.
Khoảng hai tuần trước khi nhập viện, hai bé đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày.
Qua thăm khám kết quả cho thấy cả hai bé đều bị tăng canxi máu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, có dấu hiệu suy thận cấp, được chẩn đoán ngộ độc vitamin D và suy thận cấp do dùng quá liều vitamin D thời gian dài.
Trường hợp khác, dù không ho sốt, sổ mũi nhưng bé N.T.M. (2 tuổi, Hà Nội) liên tục kêu đau bụng, quấy khóc khiến gia đình lo lắng. Khi thấy trẻ tiểu ra máu, gia đình hốt hoảng đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra.
Tại đây, qua thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trẻ có canxi trong máu cao, sỏi niệu quản và hồng cầu trong nước tiểu. Bệnh nhi được chẩn đoán sỏi thận.
Các bác sĩ đã làm xét nghiệm và phát hiện nồng độ vitamin D của trẻ rất cao. Theo mẹ của bé, thấy con bị thấp còi so với bạn bè cùng trang lứa, chị ra hiệu thuốc và được người bán hàng khuyên cho uống một liều vitamin D cao.
Hậu quả khó lường
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - khoa thận – lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết vitamin D là chất khoáng có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi giúp xương chắc khỏe. Vitamin D có trong thức ăn rất ít, chủ yếu được tổng hợp do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hoặc cung cấp qua đường uống.
Nhiều phụ huynh mong muốn con cao lớn, chắc khoẻ nên bổ sung cho con từ nhỏ. Tuy nhiên, việc tăng cường bổ sung công thức vitamin D, sử dụng vitamin D liều cao kéo dài lại chính là nguy cơ tiềm tàng cho ngộ độc nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn về liều lượng của bác sĩ.
Liều gây ngộ độc vitamin D là không rõ ràng, nhưng liều uống tối đa được khuyến cáo theo Hội Nội tiết với trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1000UI/ngày; trẻ 12 tháng tuổi, liều là 1500UI/ngày; trẻ từ 1 tới 3 tuổi là 2500UI/ngày; 4-8 tuổi là 3000UI/ngày; trên 9 tuổi là 4000UI/ngày, tuy nhiên trong một số trường hợp, liều gây ngộ độc có thể cao hoặc thấp hơn liều khuyến cáo.
Ngộ độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề. Trẻ bị ngộ độc vitamin D thường có các triệu chứng của tăng canxi máu như: ăn kém, giảm cân, đau bụng, nôn, táo bón, uống nhiều, đái nhiều, trong các trường hợp nặng có thể gây mất nước đe dọa tính mạng.
Khi nồng độ canxi vượt quá ngưỡng của ống thận sẽ gây ra sự kết tủa của canxi trong ống thận và vôi hóa tháp thận. Sự mất nước, giảm mức lọc cầu thận và vôi hóa tháp thận có thể làm tổn thương chức năng thận trong nhiễm toan ống thận và suy thận.
Theo TS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho biết vitamin D có vai trò chính là hấp thu và duy trì nồng độ canxi photpho để xây dựng cấu trúc xương giúp chống còi xương, tăng chiều cao ở trẻ em và chống loãng xương ở người già.
Có nhiều yếu tố không thuận lợi để tổng hợp vitamin D từ tự nhiên nên chúng thường được khuyến cáo bổ sung bằng thuốc cho trẻ đến người trưởng thành, cao tuổi. Hiện tỉ lệ trẻ em thiếu vitamin D còn cao.
Bác sĩ Cường khuyến cáo phụ huynh chỉ cho con sử dụng liều lượng vitamin D theo nhu cầu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tốt nhất cần được bác sĩ tư vấn. Tránh lạm dụng hoặc dùng từ nhiều nguồn khác nhau.
Trường hợp trẻ ngộ độc dễ xảy ra nhất là uống nhiều nguồn cũng có vitamin D nhưng không biết như: canxi, vitamin tổng hợp, sữa công thức...