Vì sao sốt xuất huyết lại giảm tiểu cầu?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 16:28, 07/09/2022
Đây là thông tin được PGS. TS Nguyễn Hà Thanh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương trao đổi với phóng viên bên lề Chương trình hiến máu tình nguyện “Chung dòng máu Việt 2022” diễn ra vào sáng 7/9.
Miền Bắc đang vào mùa nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc sốt xuất huyết, 70 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tính đến thời điểm này, Thủ đô ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.
Tại các bệnh viện những ngày qua cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Cụ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng hơn so với đầu tháng Tám, trong đó gần 10 ca trong tình trạng nặng.
Công nhân Samsung Việt Nam tham gia hiến máu tình nguyện |
Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Từ ngày thứ tư người bệnh nên theo dõi sát sao vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm (số lượng tiểu cầu thường giảm đáng kể có thể gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng).
Câu hỏi được nhiều người quan tâm, vì sao sốt xuất huyết tiểu cầu lại giảm?
Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Nguyễn Hà Thanh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, tiểu cầu là các tế bào máu nhỏ được sản xuất từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu. Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng tiểu cầu còn dưới 150G/l bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (hay xét nghiệm công thức máu).
Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; Tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; Tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy…
“Một trong hậu quả của sốt xuất huyết là tình trạng giảm tiểu cầu. Việc đó dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể bị chảy máu, xuất huyết. Đây là hậu quả không phải hay gặp nhưng đôi khi gặp thậm chí với mức độ tương đối nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong trường hợp như vậy bệnh nhân sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu. Việc truyền tiểu cầu có chỉ định giúp bệnh nhân vượt qua thời điểm nguy hiểm và trở về cuộc sống bình thường”, PGS. TS Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh.
Để có được một đơn vị tiểu cầu trung bình cần từ 3-4 đơn vị máu toàn phần lọc ly tâm. PGS. TS Nguyễn Hà Thanh cho biết, nhờ hoạt động hiến máu tích cực trong thời gian của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị hiện lượng máu, các chế phẩm từ máu dự trữ tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đáp ứng đủ cho nhu cầu điều trị tất cả các bệnh về máu trong đó có sốt xuất huyết.
Việc hiến máu tình nguyện thường xuyên giúp duy trì và tăng cường lượng máu được dự trữ một cách đều đặn theo thời gian và không có tình trạng thiếu máu cục bộ theo từng thời điểm.
Đánh giá cao hoạt động hiến máu tình nguyện của các doanh nghiệp, PGS. TS Nguyễn Hà Thanh khẳng định, gần 100.000 đơn vị máu được hiến tặng trong hơn một thập kỷ qua là con số vô cùng ấn tượng mà không phải cơ quan, doanh nghiệp nào cũng làm được như Samsung Việt Nam.
“Kết qủa này có được là nhờ tinh thần trách nhiệm bền bỉ đồng hành tận tâm chia sẻ của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ nhân viên của tập đoàn đối với cộng đồng với người bệnh và với ngành y tế. Hiến máu đã trở thành nét đẹp văn hoá đáng tự hào của tập đoàn, tổ chức hiến máu thường xuyên vào những thời điểm khan hiếm máu đã trở thành truyền thống đáng trân trọng của Samsung Việt Nam. Từ đây, hoạt động hiến máu tình nguyện đã lan toả, tác động tích cực đến nhiều tập đoàn, nhiều công ty trên toàn quốc”, PGS. TS Nguyễn Hà Thanh đánh giá.
– Xuất huyết trên da: các chấm xuất huyết rải rác hoặc ở cẳng tay cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng…
– Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể có kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm hơn kỳ hạn.
– Xuất huyết nặng:
+ Thoát huyết tương qua thành mạch, kéo theo mất nước
+ Chảy máu mũi nặng
+ Ra máu âm đạo nặng
+ Xuất huyết trong cơ và phần mềm
+ Xuất huyết nội tạng (dạ dày, gan, lách, phổi, thận…), xuất huyết não
+ Xuất huyết kèm tình trạng sốc, vật vã, bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh, tiểu ít…
+ Suy hô hấp, suy tim, gan hoặc các cơ quan khác.
Nếu có các biểu hiện trên người bệnh mau chóng đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
N. Huyền