Liên tiếp tiếp nhận nhiều người trẻ đột quỵ não, loại bệnh nam gặp nhiều hơn nữ 4 lần
Tin Y tế - Ngày đăng : 15:59, 07/09/2022
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí chẩn đoán anh bị đột quỵ, nhồi máu não cấp thùy thái dương trái thuộc vùng cấp máu của động mạch não giữa trái (là mạch máu lớn của não), tiên lượng nặng.
Sau 13 ngày điều trị tích cực, người bệnh nói tốt hơn, phục hồi vận động, mới được ra viện cách đây ít ngày. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết quá trình hồi phục của anh còn cần thêm thời gian dài, di chứng sau đột quỵ sẽ ít nhiều gây trở ngại trong cuộc sống. Anh cũng phải tái khám định kì và thực hiện tập phục hồi chức năng.
Đây không phải là trường hợp người trẻ bị đột quỵ não cá biệt. Chỉ tính riêng trong tháng 8, khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp của bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trường hợp đột quỵ não ở độ tuổi còn khá trẻ, từ 36 – 44 tuổi.
Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ não trẻ tuổi. Điển hình là bệnh nhân L.T.S (31 tuổi, ở Quảng Nam) được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong trạng thái co cứng chân tay, môi tím, thở ngáp, hôn mê, ngưng tim và ngưng thở.
Kết quả chụp mạch máu não, kết quả cho thấy mạch máu não bệnh nhân bị tắc nhiều đoạn. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 2, được điều trị ngay bằng phương pháp tiêu sợi huyết tĩnh mạch. Bác sĩ nhận định nếu bệnh nhân được đưa đến viện chậm hơn, nguy cơ sẽ tổn thương toàn bộ bán cầu não bên trái, khả năng tử vong cao hoặc phải nằm một chỗ, khó phục hồi.
Đột quỵ là biến cố xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị giảm hoặc mất hoàn toàn do mạch máu não bị tắc hoặc bị vỡ. Có thể chia đột quỵ thành 2 dạng: do tắc mạch máu não (chiếm 85%) và đột quỵ chảy máu não (15% các ca bệnh, thường do bất thường hoặc dị dạng mạch máu não).
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy mỗi năm có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ, 5 triệu người tử vong và 5 triệu người phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do bệnh này.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết ở Việt Nam, tỷ lệ người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới đột quỵ, 50% trong đó tử vong.
"Nhiều người dù may mắn sống sót sau cơn đột quỵ nhưng vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội"- PGS Khuê nói.
Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, khoảng 15% bệnh nhân bị đột quỵ có độ tuổi trong khoảng từ 18-45, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua. Ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ gia tăng báo động, khoảng 25% các ca đột quỵ và mỗi năm tăng thêm 2% theo thống kê tại các bệnh viện, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ não thường bị người trẻ bỏ qua
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ (còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua), là hậu quả của tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não.
"Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại. Chính điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua" - PGS Tôn nói.
Để giảm nguy cơ đột quỵ, người trẻ cần làm gì?
Có rất nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ ở người trẻ như bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc lá thường xuyên, lạm dụng rượu bia, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… Ngoài ra, bệnh còn có thể liên quan đến yếu tố di truyền, bất thường về mạch máu hoặc tình trạng đông máu.
Do đó, để giảm nguy cơ đột quy, bác sĩ khuyên:
- Khám sức khỏe định kì tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ để điều trị kịp thời.
- Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực tập thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu.
- Có thời gian nghỉ ngơi hợp lí, tránh tình trạng stress, mất ngủ kéo dài
- Nếu trong gia đình có người từng có bất thường về mạch máu, tăng đông máu nên được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.
Tất cả mọi người, kể cả những người trẻ tuổi, khi có các dấu hiệu: đau đầu, chóng mặt, nôn, mất ngôn ngữ, méo miệng, yếu chân tay, … hãy đến ngay các cơ sở y tế bởi rất có thể đó là dấu hiệu của đột quỵ não cấp.