Chuyên gia: Thiết kế các quán karaoke rất dễ dẫn đến cháy nổ

Nhịp sống - Ngày đăng : 12:39, 07/09/2022

Các cơ sở karaoke có đặc thù kết cấu không gian kín, hệ thống điện không được đấu nối chắc chắn nên hiểm họa cháy nổ luôn "treo" lơ lửng, theo chuyên gia đến từ Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Tối 6/9, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại quán karaoke An Phú, trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) khiến ít nhất 13 người chết, nhiều người bị thương.

Đây không phải lần đầu xảy ra cháy, nổ tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke dẫn đến hậu quả thảm khốc. Vậy nguyên nhân là gì?

Ông Trần Hoàng Quân (Đại học Phòng cháy chữa cháy) phân tích, hệ thống điện sử dụng cho máy vi tính, dàn âm thanh tại các cơ sở karaoke thường không được đấu nối chắc chắn, gọn gàng; không đảm bảo về công suất tiêu thụ của các thiết bị điện. Chính vì vậy, nguyên nhân xảy ra cháy do chập điện, quá tải điện của các cơ sở này là rất cao.

Với đặc thù kết cấu không gian kín, cách âm, nhiều thiết bị điện công suất lớn, lại sử dụng các vật liệu dễ bắt lửa, nên khi xảy ra hỏa hoạn tại các cơ sở karaoke thì tốc độ cháy lan nhanh, mức độ tàn phá rất lớn.

Chuyên gia: Thiết kế các quán karaoke rất dễ dẫn đến cháy nổ - 1

Hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú, trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) vào tối 6/9. (Ảnh: Trung Kiên).

Cũng theo ông Quân, do tận dụng tối đa diện tích sàn cho kinh doanh nên cầu thang bộ, hành lang bên trong cơ sở karaoke thường chật hẹp, đường đi lại giữa các khu vực ngóc ngách, tối tăm. Nhiều công trình do chuyển đổi mục đích từ nhà ở sang kinh doanh, do vậy cơ sở không đảm bảo số lối ra thoát nạn. Thậm chí có cơ sở chỉ có duy nhất một cầu thang thoát nạn hở bên trong nhà, không có lối ra mái, vì vậy khi xảy ra sự cố tại các tầng phía dưới, khói nhanh chóng bao trùm cầu thang bộ trong nhà, việc thoát nạn sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Đa số các cơ sở kinh doanh karaoke là nhà ống nhiều tầng, thiết kế cách âm, cách nhiệt nên thường xây dựng che chắn kín các phòng, các khu vực bằng vật liệu dễ cháy", ông Quân đánh giá. Nhiều cơ sở còn gắn biển hiệu, biển quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà, gây cản trở khả năng tiếp cận của xe chuyên dụng cứu nạn và chữa cháy; khi xảy ra hỏa hoạn, việc chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn.

Cũng theo ông Quân, cháy quán karaoke rất khó dập tắt nhanh và đa phần các cơ sở đều thiết kế phòng hát cách âm rất cao, không gian trong và ngoài đều kín. Điều này khiến người bên ngoài khó nhận biết đám cháy trong phòng hát và người bên trong phòng cũng không định hình được những mối nguy hại cháy, nổ bên ngoài.

Ngoài ra, điểm chung của các quán bar, karaoke, khách sạn… là được chủ cơ sở thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa và trang trí nội thất thật sang trọng, bắt mắt để thu hút khách hàng. Quá trình sửa chữa tiềm ẩn nguy cơ lớn dẫn đến cháy nổ, nhất là khi thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC, hút thuốc, bật lửa khi làm việc. Cùng với đó, hiểm họa từ sự cố chập điện cũng dễ xảy ra do các quán karaoke thường xuyên sử dụng công suất điện lớn cho hệ thống âm thanh, ánh sáng, biển quảng cáo…

Không thể cứ mãi cảnh báo!

Ông Quân cho biết, các cơ sở kinh doanh karaoke trước khi đi vào hoạt động phải chấp hành quy định pháp luật về PCCC theo tiêu chuẩn đã đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ quy định liên quan, bao gồm cả tiêu chuẩn cho việc thiết kế và hệ thống PCCC tại chỗ.

Tại Điều 5 Thông tư 147 nêu rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC theo quy định. Cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000m³ trở lên phải có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn; có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ...

Chuyên gia: Thiết kế các quán karaoke rất dễ dẫn đến cháy nổ - 2

Sáng nay (7/9), lực lượng PCCC vẫn có mặt tại hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú, trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Trung Kiên).

Cơ sở cũng phải có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hệ thống chống sét, hệ thống điện, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn...

Mặc dù hành lang pháp luật về PCCC đã đầy đủ, nhưng theo ông Quân, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, tại các cơ sở karaoke nên trang bị đầy đủ thiết bị phương tiện chữa cháy ban đầu, thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, tổ chức tuyên truyền kỹ năng cần thiết cho cán bộ nhân viên tại cơ sở khi xảy ra cháy, nổ...; không tự ý đấu nối thêm các thiết bị gây chập cháy, quá tải, ngắt nguồn điện các phòng khi không sử dụng.

Thời gian qua, sau những vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke gây thiệt hại nghiêm trọng, nhiều người quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trên địa bàn,

"Sẽ không thừa khi một lần nữa các cấp thẩm quyền, cơ quan quản lý cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện này, không nên đánh trống bỏ dùi" rồi một thời gian lại lơ là, lãng quên", ông Quân nhấn mạnh.

Nguyễn Dương