Vì sao ăn tôm, cua có thể bị sốc phản vệ, thậm chí tử vong?

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 07:22, 07/09/2022

Theo các bác sĩ, phản vệ là phản ứng của cơ thể với các dị nguyên và có thể gây tử vong nếu ở cấp độ nặng.

Một phòng khám đa khoa ở Phú Thọ tiếp nhận nữ bệnh nhân 13 tuổi trong tình trạng hôn mê, nổi ban toàn thân (ban dị ứng), phù quincke mắt, nghe có co thắt vùng khí quản, thở rít.

Bệnh nhân từng ăn tôm, cua, sau đó bị mẩn ngứa lan rộng toàn thân, lơ mơ gọi hỏi không trả lời, đại tiểu tiện không tự chủ được.

Ngay lập tức bệnh nhân được các bác sĩ xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, thuốc adrenalin, methylpresnison, kháng histamin.

GS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức tích cực Việt Nam, cho biết bất cứ ai cũng có nguy cơ bị phản vệ từ thức ăn tới thuốc.

Ngay cả ông và đồng nghiệp từng chứng kiến một bác sĩ sau khi ăn bún dọc mùng thì bị sốc phản vệ. Khi vào viện cấp cứu bệnh nhân đã rất nặng. Hỏi ra, bác sĩ trẻ đó dị ứng với dọc mùng.

Hay cũng có bệnh nhân vẫn ăn hải sản bình thường được, nhưng đi du lịch thì bất ngờ sốc phản vệ với món cua biển. Nhưng thực chất bệnh nhân này không dị ứng với cua mà dị ứng với gia vị để sốt con cua.

'Phản vệ với thực phẩm khá thường gặp từ nhẹ tới nặng, quan trọng là nhận biết để có hướng xử trí đúng', GS Bình cho biết.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho biết, phản vệ là phản ứng cấp tính với dị nguyên, xảy ra rất nhanh từ vài phút tới 2h sau tiếp xúc với dị nguyên.

Vì sao ăn tôm, cua có thể bị sốc phản vệ, thậm chí tử vong?
Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện.

Các dị nguyên sốc phản vệ có thể từ thức ăn, thuốc, dị nguyên từ phấn hoa, nọc côn trùng như ong.... Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có khoảng 20% người bệnh không tìm được nguyên nhân.

Có nhiều cấp độ phản vệ từ dị ứng ngứa, mề đay tới truỵ mạch, hôn mê. Trường hợp nặng hơn thì mề đay nhiều, nổi khắp người.

Cấp độ sốc phản vệ là tình trạng nặng nhất của phản vệ cơ thể, đường thở của nạn nhân đóng lại khiến họ khó khăn về hô hấp, mạch máu giãn ra làm huyết áp tụt, máu không lưu thông được, người bệnh sốc và có thể trụy tim mạch và tử vong. Sốc phản vệ là phản ứng đáng sợ ngay kể cả với bác sĩ cấp cứu.

BS Tú cho biết, với người có cơ địa dị ứng họ vốn đã có mẫn cảm với kháng thể IGe. Khi tiếp xúc với dị nguyên ồ ạt như bị ong chích, dị nguyên gặp kháng thể IGe nó kích hoạt tế nào mast tiết ra hóa chất trung gian và tạo nên phản ứng phản vệ. Nếu một loạt tế bào mast cùng phóng ra hóa chất phản vệ thì khiến tình trạng phản vệ nặng hơn.

Ngoài ra, các nguy cơ làm nặng hơn tình trạng phản vệ đó là vận động sau khi ăn. BS Tú gặp nhiều bệnh nhân dị ứng với hải sản, lúc ăn thì không bị gì nhưng sau ăn đi tập thể dục, tập gym thì lại bị phản vệ.

Theo BS Tú, bệnh nhân dị ứng thức ăn nếu uống thêm bia rượu thì dị ứng sẽ nặng hơn. Một số thuốc điều trị tim mạch, rối loạn mỡ máu cũng làm nặng thêm tình trạng phản vệ cho người bệnh.

BS Tú cho hay, những triệu chứng dị ứng nhẹ không ảnh hưởng tới bệnh nhân như ngứa nhẹ ngoài da, người bệnh không nên quá lo lắng. Còn phản ứng xảy ra cấp tính rầm rộ thì có thể là ở cấp độ phản vệ.

Theo đó, ở độ 1, nhẹ thì bệnh nhân bị mề đay, phù mặt ở ngoài da, trên tay chân, mắt môi sung phù; nếu ở độ 2, 2 cơ quan ngoài da kèm theo phản ứng tại cơ quan khác như khó thở, thấy tim đập nhanh hơn. Có thể triệu chứng ở đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy; còn độ 3 thì đường thở đóng lại, huyết áp tụt; và độ 4 là ngừng hô hấp và ngừng tuần hoàn, tình trạng này rất nặng.

BS Tú khuyến cáo khi có hiện tượng phản vệ với dị nguyên thì ngưng tiếp xúc với dị nguyên. Ví dụ thức ăn thì lấy thức ăn ra, ong đốt thì tháo ngòi, ngừng thuốc. Sau đó đặt bệnh nhân nằm ở tư thế ngồi dậy ngả ra sau để dễ thở.

Người bệnh không ngồi được thì nằm xuống và nâng nhẹ hai chân lên để tuần hoàn máu tốt hơn. Có thể nằm nghiêng sang 1 bên, sau đó cho người bệnh đi cấp cứu.

 K.Chi