Thứ trưởng Bộ Công Thương: Sẽ rút giấy phép 5 ‘ông lớn’ xăng dầu vào thời điểm phù hợp
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 22:43, 06/09/2022
Xem thêm: Tước giấy phép 'ông lớn' Saigon Petro, thị trường xăng dầu vẫn tấp nập
Chiều 6/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận được câu hỏi liên quan đến thị trường xăng dầu. Cụ thể, ngày 5/9, Bộ Công Thương ra quyết định rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của 5 doanh nghiệp.
"Vậy, lý do của việc tước giấy phép này là gì? Việc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu như thế nào?”, phóng viên nêu câu hỏi với lãnh đạo Bộ.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 15/2, cơ quan này đã ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Đến 31/8, Thanh tra Bộ đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 doanh nghiệp và các công ty con của các doanh nghiệp này với tổng số tiền là hơn 13 tỷ đồng.
Ngoài hình phạt tiền, Thanh tra Bộ còn ban hành 5 quyết định xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong thời hạn 1 tháng đối với 5 doanh nghiệp đầu mối.
Cụ thể, các doanh nghiệp bị xử phạt theo quyết định của Thanh tra Bộ Công Thương gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
“Lỗi của các doanh nghiệp này chủ yếu là do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu. Với 5 doanh nghiệp bị tước quyền như vậy, ngoài việc không được xuất, nhập khẩu xăng dầu, thì họ cũng không được mua xăng dầu ở trong nước, không được bán xăng dầu cho các đơn vị khác”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Nhấn mạnh quan điểm cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũn lưu ý tới khó khăn của doanh nghiệp hiện nay sau dịch. Quan trọng là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng.
Vì thế, Bộ Công Thương đã họp, thống nhất trước mắt xử lý phạt hành chính bằng phạt tiền với các doanh nghiệp này. Còn hình thức xử phạt bổ sung là tạm thời tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì “sẽ được áp dụng trong thời điểm phù hợp”. Việc này được Bộ báo cáo Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ hôm nay.
“Chúng tôi đang xử lý và hy vọng sẽ tìm được biện pháp phù hợp nhất, tốt nhất trong điều kiện hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Tại đây, ông Hải cũng dành thời gian nói về việc lần đầu tiên trong nước giá dầu cao hơn giá xăng. Theo ông, nguyên nhân có liên quan đến thị trường thế giới.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay do xung đột Nga - Ukraine, nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm, nên nhu cầu đối với dầu diesel và dầu hoả tăng để thay thế khí đốt, dẫn đến giá các sản phẩm dầu tăng khá cao, tương đương hoặc cao hơn giá xăng. Những tháng gần đây để chuẩn bị cho mùa Đông, giá dầu đã tăng khá mạnh, cao hơn nhiều so với giá xăng.
“Bình quân giá xăng đang ở mức khoảng 105 USD/thùng, trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói thêm.
Với giá bán lẻ các mặt hàng này trong nước, theo ông Hải, trong cơ cấu tính giá cơ sở, mức thuế áp dụng với xăng thường cao hơn dầu. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu dầu 0-0,12% thì xăng là 9,7%. Thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0% nhưng xăng lên tới 8-10%. Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước thường cao hơn giá dầu.
Tuy nhiên, tại kỳ điều hành ngày 5/9, do giá thế giới có biến động lớn, giá dầu cao hơn 30-50 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu cao hơn giá xăng.