Bộ GD&ĐT yêu cầu không thành lập trường liên cấp mầm non, tiểu học
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:35, 06/09/2022
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp; sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục tiểu học theo hướng dẫn của Bộ, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các địa phương cần sớm khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, trường học có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định. Cần tổ chức sơ kết, đánh giá việc sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tiểu học của địa phương.
Bộ cũng lưu ý, việc sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường, lớp tiểu học cần phải gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh và nhu cầu, điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
“Khi thực hiện quy hoạch, dồn ghép trường lớp, cần ưu tiên dồn ghép các trường tiểu học có quy mô nhỏ với nhau; có thể bố trí điểm trường, có thể thành lập trường tiểu học liên xã, liên phường; không thành lập trường liên cấp mầm non - tiểu học”, văn bản của Bộ GD&ĐT nêu rõ.
Đối với các trường liên cấp tiểu học - trung học cơ sở, Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị đảm bảo quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó đặc biệt quan tâm đến khối phòng học tập, khối phụ trợ cần bố trí thành phân khu riêng biệt cho từng cấp học. Trong đó, các phòng học bộ môn cần được bố trí riêng biệt cho các cấp học, ngoại trừ các phòng có thể dùng chung cho một số môn học.
Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường cấp tiểu học nói trên là một trong 5 nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện, gồm: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, củng cố kết quả phổ cập giáo dục; củng cố và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; tăng cường huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông.
Ngày 5/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ, chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.
Năm học này, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, bao gồm triển khai dạy học theo chương trình với lớp 3, 7, 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc, tài liệu giáo dục địa phương và chuẩn bị biên soạn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12.