Từ 'chiềng' và 'chạ' trong lời rao của mõ làng có ý nghĩa là gì?

Nhịp sống - Ngày đăng : 20:00, 06/09/2022

PGS.TS Phạm Văn Tình giải thích ý nghĩa từ “chiềng” và “chạ” trong “chiềng làng, chiềng chạ”.

Hiện trên báo chí truyền thông cụm từ “viện dẫn” được sử dụng khá nhiều, vậy "viện dẫn" dùng thế nào mới là chính xác? Trong trường hợp này, từ “viện” được dùng với nghĩa là gì? Cụm từ “lưỡng dụng” hay được sử dụng với các ngành công nghệ chẳng hạn “công nghệ lưỡng dụng” trong quốc phòng là gì? Rồi trong cụm từ “chiềng làng, chiềng chạ...” thì từ “chiềng” và “chạ” có ý nghĩa ra sao? Chuyên gia ngôn ngữ, PGS.TS Phạm Văn Tình giải thích về những từ ngữ này.

Từ 'chiềng' và 'chạ' trong lời rao của mõ làng có ý nghĩa là gì? - 1

Theo PGS TS Phạm Văn Tình, “viện dẫn” là từ Hán Việt. Viện có nghĩa là cứu giúp, vin vào, ngoài ra nó còn được dùng để chỉ cơ quan nghiên cứu hoặc là bệnh viện,... "Viện" trong viện dẫn có nghĩa là làm căn cứ, dẫn ra, đưa ra. Viện dẫn có nghĩa là đưa ra, dẫn ra một nội dung nào đó để minh họa hoặc chứng minh cho lập luận của mình.

PGS Phạm Văn Tình cho rằng, một vấn đề khi cần có tính thuyết phục cao, người ta thường đưa ra điều gì đấy để minh chứng, đó chính là viện dẫn.  Ông lấy ví dụ: “Trong báo cáo khoa học, chuyên gia đã viện dẫn một loạt tư liệu vừa cập nhật có trích dẫn xuất xứ rõ ràng làm luận cứ cho lập luận của mình”.

Cũng theo PGS thì viện dẫn chính là cơ sở để tăng sức thuyết phục cho bài nói hoặc là bài viết, nó thường được dùng với sắc thái trang trọng trên văn bản báo chí. Trong giao tiếp thông thường có thể dùng một từ đồng nghĩa, dễ hiểu hơn, thông dụng hơn đó là dẫn chứng.

PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết thêm để tìm hiểu về cụm từ “viện dẫn” có thể tra cứu trong cuốn từ điển Từ và Ngữ Hán Việt của GS Nguyễn Lân và cuốn Từ điển Tiếng Việt của do GS Hoàng phê chủ biên thì ta sẽ thấy các ngữ liệu trích dẫn từ đó.

Thính giả Nguyễn Ngọc Minh ở Hà Nội muốn được tìm hiểu về ý nghĩa của cụm từ "lưỡng dụng", mà báo chí hay nhắc đến gần đây, khi nói về các ngành công nghệ trong quốc phòng.

PGS.TS Phạm Văn Tình giải thích "lưỡng dụng" là một tổ hợp từ Hán Việt. Lưỡng là hai, chẳng hạn như lưỡng cực là hai cực, lưỡng khả là hai khả năng. Dụng là dùng, ví dụ như dụng ngôn, tức là cách dùng từ ngữ, dụng nhân tức là dùng người. "Lưỡng dụng" có nghĩa là hai tác dụng.

PGS Phạm Văn Tình giải thích thêm mọi sự vật, sự việc thường chỉ có một chức năng hay một tác dụng, nhưng có những trường hợp lại có hai khả năng sử dụng, chẳng hạn loại thuốc lưỡng dụng, vừa hạ sốt vừa là an thần, hoặc nhà nổi lưỡng dụng ở đồng bằng sông Cửu Long, là nhà có chức năng vừa làm nhà ở, nhưng lại có khả năng chống lũ khi nước lên.

Cụm từ công nghệ lưỡng dụng tiếng Anh là dual use technology, được giải thích là công nghệ phát huy đồng thời hai khả năng, hai tính năng khi áp dụng cho cuộc sống. PGS đơn cử một số ví dụ, chẳng hạn như là “công nghệ lưỡng dụng hiện nay được thiết kế có thể ứng dụng cho hai mục đích: quân sự, dân sự”. Ngược lại có các công trình dân sự khi cần có thể tăng cường cho an ninh quốc phòng, như là sân bay dân dụng.

Về ý nghĩa của hai từ cổ “chiềng” và “chạ” thường xuất hiện trong các bài rao của mõ làng “chiềng làng, chiềng chạ...” PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết, theo Từ điển Từ cổ của Vương Lộc, chiềng là một âm cổ, nghĩa là thưa và trình. Chiềng làng có nghĩa là thưa làng, trình làng, đấy là lời nói mở đầu trước khi thưa trình điều gì đó. Chạ cũng là từ cổ dược dùng để chỉ xóm.

PGS giải thích thêm trong tiếng Việt Mường, một số vùng ở Thanh Hóa, người ta dùng "chạ" để chỉ làng, nhưng đa số là cư dân của các vùng đồng bằng Bắc Bộ cổ xưa thì chạ chính là xóm. Thực ra thì làng, xóm ngày xưa là mô hình dân cư, và xóm nằm trong làng. Sau tiếng thưa “chiềng làng, chiềng chạ”, người ta mới nói những thông tin cần thông báo cho mọi người về những sự kiện diễn ra và có thể là dân làng ra họp để bàn chuyện gì đó, hoặc các vị chức sắc xử một vụ gì đó,... thường là những sự kiện tương đối quan trọng.

LÊ HẰNG (VOV2)