Nhật Bản đại chiến... đĩa mềm
Cuộc sống số - Ngày đăng : 19:55, 06/09/2022
Đĩa mềm là một loại phương tiện lưu trữ có khả năng lưu trữ dữ liệu điện tử, giống như một file máy tính. Các đĩa mềm lần đầu tiên được tạo ra trong năm 1967 bởi IBM như một thay thế cho việc mua ổ cứng, vốn cực kỳ đắt tiền vào thời điểm đó. Tuy nhiên đến thập niên 2000, công nghệ đĩa CD đã dần thay thế những ổ đĩa mềm. Đến thời điểm hiện tại, thiết bị USB và ổ cứng ngoài đang được sử dụng làm nơi lưu trữ hay truyền tải dữ liệu.
Theo tờ The Guardian, chính phủ Nhật Bản đang phải đối mặt với một thách thức rất lớn về công nghệ hành chính công, đó là đĩa mềm. Mặc dù loại công nghệ lưu trữ, truyền tải dữ liệu này đã quá cổ và hiếm được sử dụng trên thế giới ngày nay nhưng chúng vẫn đeo bám mảng hành chính công của Nhật Bản.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Bộ trưởng kỹ thuật số Nhật Bản, ông Taro Kono đã phải tuyên chiến với công nghệ này khi chúng gây ảnh hưởng đến hiệu suất hành chính công. Xin được nhắc là Nhật Bản nằm trong số những nước hiếm hoi có nền hành chính công vẫn sử dụng đĩa mềm đến thời điểm hiện tại.
Theo Bộ trưởng Kono, người đang tuyên chiến với cả máy fax và việc dùng những con dấu cá nhân cho hành chính, nhiều cơ quan hiện nay vẫn yêu cầu cá nhân hay tổ chức giao nộp văn bản bằng đĩa mềm cho khoảng 1.900 loại giấy tờ, một điều không thể chấp nhận được cho cường quốc công nghệ như Nhật Bản.
"Bộ công nghệ Nhật Bản đang tuyên chiến với đĩa mềm", Bộ trưởng Kono nêu rõ sau khi cho biết sẽ giải thích cụ thể với các cơ quan ban ngành về việc loại bỏ những công nghệ cổ lỗ và thúc đẩy hành chính công thực hiện các giấy tờ trực tuyến đến gia tăng hiệu quả.
Lời tuyên chiến này của ông Kono được Thủ tướng Fumio Koshida ủng hộ trong chiến lược thúc đẩy hiện đại hóa hành chính công Nhật Bản.
Trên thực tế, Nhật Bản không phải là nước duy nhất vẫn sử dụng đĩa mềm cho hành chính công. Lực lượng không quân Mỹ mới chỉ loại bỏ đĩa mềm khỏi hệ thống điều khiển vũ khí hạt nhân vào năm 2019, tức là tới gần 10 năm sau khi hãng Sony ngừng sản xuất công nghệ này.
Truyền thống?
Theo Bộ trưởng Kono, nền kinh tế và xã hội Nhật Bản cần bắt kịp thời đại và không nên bám víu vào những công nghệ quá cổ để rồi tự kéo hiệu suất xuống.
Dẫu vậy theo tờ The Guardian, cố gắng của Bộ trưởng Kono, người được đánh giá là có khả năng ứng cử vào chức Thủ tướng Nhật Bản tương lai, sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân rất đơn giản, người Nhật yêu những thứ họ coi là truyền thống, kể cả khi chúng kém hiệu quả.
Năm 2021, Bộ công nghệ Nhật Bản đã phát động phong trào ngừng sử dụng các con dấu cá nhân (Hanko) cũng như máy fax, vốn được cho là gây nặng nề cho hành chính công với lượng lớn giấy tờ phải xử lý thay vì áp dụng công nghệ trực tuyến.
Các cơ quan chính quyền đã được yêu cầu ngừng dùng Hanko và máy fax cho hàng trăm loại giấy tờ, bao gồm cả những thủ tục quan trọng nhưng hoàn thuế hay điều chỉnh thuế cuối năm. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, những thứ này vẫn được nhiều cơ quan nhà nước tại Nhật sử dụng.
Tờ The Guardian cho biết rất nhiều quan chức phản đối bước đi của Bộ trưởng Kono. Họ cho rằng những công nghệ cổ tạo nên sự chính danh cho nhiều tài liệu, thứ mà những bức thư điện tử hay hồ sơ online không làm được.
Trong khi đó, những chính trị gia địa phương thì cho rằng các thứ như Hanko đã trở thành một phần biểu tượng của Nhật Bản và việc loại bỏ chúng là gây chiến với văn hóa truyền thống.
Giới truyền thông địa phương thì cho biết việc cấm máy fax là điều không thể khi nhiều giấy tờ, thông tin mang tính nhạy cảm khiến các quan chức lẫn người dân không muốn chuyển sang thư điện tử vì sợ lộ. Trên thực tế, dù là nước có nền công nghệ phát triển nhưng tư tưởng đổi mới tại nhiều nơi còn thấp, bởi vậy người dân ngại thay đổi các công nghệ mới.
Tương tự, đĩa mềm cũng là một trở ngại như vậy. Một số quan chức tại thủ đô Tokyo nói với tờ Nikkei Asian Review rằng dù đĩa mềm là công nghệ cũ nhưng chúng khó bị vỡ hoặc bị mất dữ liệu. Những quan chức này trước đây thường lưu trữ dữ liệu về lương cho nhân viên trên đĩa mềm và chuyển chúng đến ngân hàng để thực hiện giao dịch.
Một yếu tố nữa là những rào cản pháp lý khiến mảng hành chính công của Nhật Bản khó áp dụng các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây. Sự tôn trọng quyền riêng tư và tính cá nhân tuyệt đối khiến các chương trình thúc đẩy hiệu suất hành chính công ở đây gặp nhiều cản trở về luật pháp.
Kể từ năm 2016, Nhật Bản đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân thông minh cho các dịch vụ như nộp thuế trực tuyến, đăng nhập tài khoản ngân hàng...Thế nhưng Bộ trưởng Kono vẫn chỉ trích nhiều thủ tục hành chính công tại đây còn rườm rà, yêu cầu giấy tờ hay những công nghệ cổ.
(Theo Tổ Quốc, The Guardian)