Châu Âu cấp tập tìm cách đối phó sau khi Nga khóa van khí đốt

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:27, 06/09/2022

Châu Âu đang thực hiện một số biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang có dấu hiệu ngày nghiêm trọng sau khi Nga khóa van vô thời hạn đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1.
Châu Âu cấp tập tìm cách đối phó sau khi Nga khóa van khí đốt - 1

Việc Nga khóa van vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1 đã gây ra cú sốc với an ninh năng lượng của châu Âu (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh, chứng khoán giảm và đồng EUR giảm giá hôm 5/9 sau khi Nga ngừng dòng khí đốt chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1, viện dẫn lý do kỹ thuật. Theo giới quan sát, động thái của Moscow đã tạo ra một cú sốc với các nền kinh tế trong khu vực vẫn đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch.

Trước tình hình này, chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy thông qua các gói ngân sách trị giá hàng tỷ EUR để ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế cận kề và bảo vệ các hộ gia đình khỏi hóa đơn tăng vọt.

Giới quan sát dự đoán, với nguồn cung khí đốt khan hiếm và mùa đông tới gần, giá mặt hàng này sẽ còn có thể tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt đã ngăn cản hoạt động sửa chữa và bảo trì đường ống, dẫn tới lỗi kỹ thuật nghiêm trọng.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 400% so với một năm trước, đẩy hàng loạt nền kinh tế vào nguy cơ suy thoái.

Phần Lan đặt mục tiêu cung cấp 10 tỷ EUR (10 tỷ USD) và Thụy Điển là 23 tỷ USD để hỗ trợ cho các công ty điện đang gặp khó khăn vì giá năng lượng tăng mạnh.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết: "Nỗ lực của chính phủ là phương án tài chính cuối cùng cho các công ty trước nguy cơ bị mất khả năng thanh toán".

Sau động thái khóa van Dòng chảy phương Bắc 1 của Nga vô thời hạn, thị trường tài chính châu Âu hứng chịu một cú sốc khác, với đồng EUR tụt xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và cổ phiếu lao dốc.

Dòng chảy phương Bắc 1 trước đó vận chuyển tới 1/3 lượng khí đốt châu Âu nhập từ Nga. Căng thẳng trong thời gian qua khiến đường ống này chỉ vận hành được 20% công suất tối đa, tuy nhiên giờ đây nó đã ngừng hoàn toàn. Nga tuyên bố, chỉ khi phương Tây gỡ các lệnh trừng phạt thì đường ống mới có thể khắc phục về mặt kỹ thuật và vận hành trở lại.

Ngoài ra, Nga cũng khẳng định, họ sẽ đáp trả nếu các nước G7 áp giá trần lên dầu thô của Moscow.

Giải pháp tình thế

Trước lá bài năng lượng của Nga, châu Âu trong nửa năm qua đã hối hả tìm nguồn cung thay thế.

Đức, quốc gia phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga, tuyên bố sẽ chi ít nhất 65 tỷ EUR để bảo vệ người dân và doanh nghiệp trước lạm phát phi mã, vốn bùng lên do giá năng lượng tăng mạnh.

Berlin hôm 5/9 cho hay sẽ giữ lại 2 nhà máy điện hạt nhân, dù đã có kế hoạch đóng cửa chúng trước đó. Đức coi 2 công trình trên là phương án dự phòng để họ có đủ điện qua mùa đông.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, 2 bên đã thống nhất rằng Berlin và Paris sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong kịch bản một bên thiếu năng lượng.

Tại châu Âu, một số ngành cần dùng nhiều năng lượng như sản xuất nhôm, phân bón đã giảm quy mô sản xuất. Các ngành công nghiệp khác, vốn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip toàn cầu và chuỗi cung ứng đứt gãy do dịch bệnh, giờ đây tiếp tục phải đối mặt với hóa đơn nhiên liệu tăng cao.

Na Uy, một nhà sản xuất năng lượng lớn của châu Âu, đã tăng lượng khí đốt vào thị trường EU, nhưng không thể lấp đầy khoảng trống do Nga bỏ lại.

Bộ trưởng năng lượng của các nước EU dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 để thảo luận về các phương án kiềm chế giá năng lượng tăng vọt trong thời gian tới.

Với Đức, họ đã lấp đầy kho dự trữ khí đốt 85%, vượt mục tiêu 80% trước đó. Tuy nhiên, Klaus Mueller, chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng Đức, cảnh báo rằng, ngay cả khi các kho dự trữ khí đốt của Đức đầy 100% thì chúng sẽ cạn kiệt trong 2 tháng rưỡi nếu Nga khóa van hoàn toàn nguồn năng lượng này sang châu Âu.

Đức Hoàng