Sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Tháo gỡ các vướng mắc về tài chính y tế

Tin Y tế - Ngày đăng : 13:09, 06/09/2022

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới đây. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý y tế cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Đồng thời cần có cơ chế tài chính rõ ràng, minh bạch để tháo gỡ các vướng mắc, giúp các cơ sở y tế mở rộng cung ứng dịch vụ cho người dân.
Sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Tháo gỡ các vướng mắc về tài chính y tế
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê. Ảnh: HH

Sửa luật để bỏ tâm lý e ngại khi mua sắm vật tư y tế

Từ ngày 7 - 8.9, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ thảo luận, góp ý kiến về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Trong đó, cho ý kiến đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là một trong những dự án luật hết sức quan trọng, tác động không chỉ đến ngành y tế, đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn có tác động rất sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.

Quan tâm đến vấn đề tài chính y tế, PGS-TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện thời gian qua cũng phản ánh tình trạng thiếu y tế tài chính, thiếu cơ chế trong luật hiện hành.

Theo ông Đào Xuân Cơ, trong hơn 2 năm chống dịch COVID-19, rất nhiều người dân, người bệnh không được đến các bệnh viện chuyên sâu như Bệnh viện Bạch Mai để khám chữa bệnh. Do vậy, sau khi dịch được kiểm soát, số lượng bệnh nhân từ các tuyến, các tỉnh dồn về bệnh viện này tăng đột biến, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc trở nên trầm trọng hơn.

Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu như tất cả các giám đốc của các bệnh viện, các cơ sở y tế đều có tâm lý e ngại khi mua sắm. Bởi không có các văn bản pháp quy rõ ràng và tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai nên các nhà quản lý không biết mình làm thế này đã đúng quy định pháp luật hay chưa.

Nhiều nhà quản lý ngành y tế cũng cho biết, nếu không có cơ chế tài chính rõ ràng, minh bạch sẽ khiến các đơn vị e dè mua sắm.

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để có nguồn thu

Tiếp đó, trong dự án luật này, các quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý y tế.

Điều 101 tại dự thảo luật quy định, hàng hóa phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh như: Thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác. Hàng hóa phục vụ khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các đặc điểm của hàng hóa theo quy định của pháp luật về giá. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do các cơ sở và người hành nghề đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng các đặc điểm của dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá và thuộc cơ cấu ngành dịch vụ y tế theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, Ban soạn thảo đề xuất hai phương án. Phương án 1: Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá tối đa đối với giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giá tối đa đối với giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý.

HĐND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của UBND cùng cấp.

Phương án 2: Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá tối đa đối với giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên phạm vi toàn quốc và giá tối đa đối với giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước từ định giá khám bệnh, chính bệnh trên cơ sở giả tối đa. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp.

Chuyên gia cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá mang lại ảnh hưởng tích cực đối với cơ sở y tế. Các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế; thúc đẩy xã hội hóa; bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư. Giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ.

Đối với Nhà nước, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế giúp từng bước thực hiện được việc chuyển cấp ngân sách cho đơn vị cung ứng dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng, không bao cấp qua giá; góp phần làm tăng tỉ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, làm giảm số người hưởng lương từ NSNN.

Việc điều chỉnh giá đã tạo điều kiện để các bệnh viện phát triển, mở rộng cung ứng dịch vụ cho xã hội. Từng bước làm giảm và tiến tới xóa bỏ chênh lệch và giá dịch vụ giữa khu vực công và khu vực tư, giúp y tế tư nhân phát triển bình đẳng với y tế công lập.

PHẠM ĐÔNG