Ấn Độ - Nơi bắt đầu cũng là nơi kết thúc
Đối ngoại - Ngày đăng : 15:36, 05/09/2022
Đại sứ Vũ Quang Diệm trình Quốc thư lên Tổng thống Ấn Độ A. P. J. Abdul Kalam năm 2006. (Nguồn: NVCC) |
Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao vào tháng 9/1971, ông Vũ Quang Diệm, khi ấy là nhà ngoại giao trẻ với khả năng ngoại ngữ lưu loát, đã được Lãnh đạo Bộ tin tưởng phân công đi nhiệm kỳ tại Ấn Độ.
Cuối hành trình gắn bó với ngành ngoại giao, ông kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ vào tháng 9/2010, rồi nghỉ hưu vào đầu năm 2011 và hiện tiếp tục “duyên nợ” với đất nước này khi đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.
Từ lạ thành thân
Trong quãng thời gian làm ngoại giao, ngoài hai nhiệm kỳ, ông Vũ Quang Diệm còn nhiều lần dẫn đoàn, tháp tùng đoàn thăm Ấn Độ. “Tôi cứ đi đi lại lại Ấn Độ tổng cộng chắc phải đến cả chục năm rồi. Mà trong một đời người, chục năm là nhiều lắm, là đủ để gắn bó đặc biệt với một đất nước ngoài Tổ quốc mình”, ông nói.
Ông Vũ Quang Diệm từng làm Đại sứ Việt Nam tại Philippines rồi Đan Mạch và trải qua nhiệm kỳ ở New York (Mỹ), song với ông, Ấn Độ vẫn có một sức quyến rũ lạ kỳ, để lại ấn tượng rất sâu đậm.
Nhớ lại thời trai trẻ “chân ướt chân ráo” sang Ấn Độ, ấn tượng đầu tiên của ông Vũ Quang Diệm về đất nước này là cái nóng vô cùng. Văn hoá, ẩm thực và môi trường khác biệt khiến ông tưởng chừng như khó có thể thích nghi được với đất nước này.
Ông Vũ Quang Diệm đi dịch cho đoàn. (Nguồn: NVCC) |
Ấy vậy mà từ lạ thành thân, từ những ngày ăn cà ri không hợp dần dà rồi chàng trai Việt Nam “nghiện” món này lúc nào không hay. Từ những ngày còn “ngơ ngác” trước thứ tiếng Anh Ấn nhanh và khó nghe, ông đã trở thành người phiên dịch thành thạo thứ tiếng mà ông quen gọi là “tiếng Anh cà ri” này, để rồi nhiều đoàn các cấp thăm Ấn Độ thường tin tưởng giao ông trọng trách phiên dịch. Đến nay, Ấn Độ trong trái tim ông là kỷ niệm, một phần sự nghiệp, một phần cuộc đời và là một sợi dây gắn bó bền chặt.
Ông Vũ Quang Diệm chia sẻ: “Tôi đã đi khoảng 70 quốc gia trên thế giới, vừa đến thăm, vừa làm việc, nhưng Ấn Độ đối với tôi luôn rất gần gũi và gắn bó. Nhiều người nói đi Ấn Độ rất khổ cực, ô nhiễm, bụi bặm nhưng đối với tôi thì Ấn Độ là một đất nước vĩ đại, dân tộc phi thường và đáng để học hỏi”.
Là nước lớn, một tiểu lục địa với hơn 1,4 tỷ dân và nền văn minh lâu đời đã hơn 5000 năm, Ấn Độ là một kho tàng kiến thức để học hỏi mà “nói cả ngày, cả tháng cũng không hết” như lời của Đại sứ Vũ Quang Diệm.
Mối quan hệ không giới hạn
Điều đặc biệt hơn cả, Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống hữu nghị, nhân dân hai nước dành cho nhau tình cảm tốt đẹp, mà như Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói là quan hệ “trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây”.
Vô cùng tâm đắc sự ví von này, Đại sứ Vũ Quang Diệm cắt nghĩa điều này tức là quan hệ hai nước không có bất cứ một vấn đề nào, điều đó cũng có nghĩa là hai nước có thể hợp tác chặt chẽ ở mọi lĩnh vực, mọi tầng nấc không giới hạn.
Theo ông, mặc dù Ấn Độ rất đa dạng với nhiều tôn giáo, ngôn ngữ, đảng phái, nhưng một trong những điểm chung của họ có lẽ là luôn dành tình cảm yêu quý Việt Nam.
Ông nhớ lại khi Việt Nam giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào năm 1975, người dân Ấn Độ kéo đến hàng nghìn người trước Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi để bày tỏ sự chúc mừng, ủng hộ.
Trước đó, trong kháng chiến chống Pháp, người Ấn Độ cũng có khẩu hiệu nổi tiếng là “Mera Nam Tera Nam, Viet Nam, Viet Nam” (tên anh, tên tôi đều là Việt Nam), nói lên tình cảm đặc biệt vô giá của nhân dân Ấn Độ dành cho nhân dân Việt Nam.
“Mà người Ấn Độ lạ lắm, khi Việt Nam thắng Pháp, thắng Mỹ họ cảm thấy vô cùng tự hào như thể cũng là thắng lợi của họ. Không biết có đất nước nào như vậy không nhưng tình cảm của người Ấn Độ dành cho chúng ta đặc biệt như thế”, ông Vũ Quang Diệm chiêm nghiệm.
Trong nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ của ông Vũ Quang Diệm giai đoạn năm 2006-2010, một trong những dấu mốc lớn của quan hệ hai nước mà không thể không nhắc đến đó là việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2007. Và Đại sứ Vũ Quang Diệm luôn tự hào vì đã góp một phần vào dấu mốc đáng nhớ này.
“Khi tôi nhận nhiệm vụ làm Đại sứ tại Ấn Độ năm 2006, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng đã nói với tôi làm thế nào phải đẩy quan hệ hai nước lên tầm Đối tác Chiến lược.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đón và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ - chuyến thăm nâng quan hệ hai nước lên tầm Đối tác Chiến lược, ngày 6/7/2007 tại New Delhi. (Nguồn: TTXVN) |
Ngay khi sang sở tại, tôi và anh em trong Đại sứ quán đã làm một bài nghiên cứu rất cơ bản về Ấn Độ để gửi về nhà. Đến năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ và thúc đẩy nâng cấp thành công quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cùng sang Ấn Độ khi đó đã cầm chính tập tài liệu nghiên cứu đó nói rằng đây chính là thứ đã góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước. Tôi mừng lắm!”, Đại sứ Vũ Quang Diệm tự hào kể.
Trở về Việt Nam, Đại sứ Vũ Quang Diệm lại nối dài sợi dây gắn kết với xứ sở sông Hằng khi đảm đương vị trí Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đến nay đã được cả chục năm.
Cứ thế, ông tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, quảng bá về đất nước và con người Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên giao lưu, trao đổi với các học giả Ấn Độ để cùng nhau tìm gia phương thức thúc đẩy nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.
Vừa lật từng trang album ảnh kỷ niệm quãng thời gian ở Ấn Độ, Đại sứ Vũ Quang Diệm cũng chia sẻ về dự định đang ấp ủ là viết một cuốn sách nói về cuộc đời ngoại giao của ông với tựa là “From New Delhi to New York and back to New Delhi”.
Đại sứ Vũ Quang Diệm từng là Đại sứ Việt Nam tại Philippines (1992), Vụ trưởng Vụ ASEAN (1992-1996), Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch (2001-2004) và Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ (2006-2010). Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ và Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Philippines. |