Tín hiệu mới cho phong trào học tiếng Việt ở Nga

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:19, 05/09/2022

Sau khoảng thời gian có vẻ trầm lắng, phong trào học tiếng Việt ở Nga đang có những tín hiệu tích cực hơn, khi nhiều lớp học tiếng Việt tại Nga mở cửa. Để tiếp tục thu hút sinh viên và tăng cường hiệu quả công tác giảng dạy, vẫn rất cần thêm nỗ lực từ cả Việt Nam và Nga, nhất là trong vấn đề quảng bá ngôn ngữ và định hướng nghề nghiệp.
Tín hiệu mới cho phong trào học tiếng Việt ở Nga
Sinh viên Nga học tiếng Việt trao đổi với giảng viên.

Lâu nay, Hoàng Văn Thám, sinh viên năm thứ 4 Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga đều đặn bốn buổi/tuần mở máy tính dạy tiếng Việt cho người Nga. Trong 2 học sinh của Thám, một bạn có bố là người Việt Nam, còn người kia chuẩn bị sang Việt Nam sinh sống và làm việc.

Thám cho hay, ngày càng nhiều người ở Nga có nhu cầu học tiếng Việt. Với những người có bố hoặc mẹ là người Việt Nam, họ muốn khi trở về quê hương có thể giao tiếp với ông bà, người thân, cũng như tìm hiểu về nguồn cội. Còn với người Nga học tiếng Việt, họ muốn tìm đến một miền đất mới, trong bối cảnh chính trị thế giới có nhiều biến động.

Dạy thêm tiếng Việt đã hơn hai năm nay, Thám luôn tâm niệm, dạy tiếng Việt cho người Nga không hẳn là một nghề. Công việc này giúp Thám tăng khả năng giao tiếp, kỹ năng sư phạm. Nhưng quan trọng hơn, Thám muốn quảng bá ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Cùng với Thám, nhiều sinh viên Việt Nam vẫn đang tích cực làm cầu nối đưa văn hóa Việt Nam đến đông đảo người Nga.

Tín hiệu mới cho phong trào học tiếng Việt ở Nga ảnh 1
Thám dạy tiếng Việt online cho bạn bè Nga. (Ảnh: NVCC)

Tiếng Việt không phải là ngành học mới ở “xứ sở Bạch dương”. Nhưng mỗi lần trò chuyện với các thầy, cô giáo Nga đang giảng dạy tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục ở Nga, chúng tôi lại có nhiều điều để nói.

Chuẩn bị năm học mới, cô Svetlana Glazunova, tên tiếng Việt là Hằng đang bận bịu với giáo án, giáo trình. Nhưng khi nhận được lời đề nghị phỏng vấn liên quan việc dạy học tiếng Việt ở Nga, chị đồng ý ngay. Người phụ nữ gắn bó với Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (Nga) từ những thập niên 90 của thế kỷ trước hôm nay có một vài tin vui.

Nhìn lên bức tranh Chùa Một cột mà các sinh viên tặng treo trong văn phòng khoa, mắt chị Hằng gợn chút buồn: “Những năm qua nhìn chung không nhiều sinh viên Nga theo học tiếng Việt, đó là nỗi đau của tôi”. “Nhưng năm nay trường quyết định tuyển thêm hai lớp tiếng Việt. Một tại khoa Quan hệ quốc tế và một ở khoa Quan hệ kinh tế quốc tế”, chị Hằng lấy lại tâm trạng.

Đó là tin tốt chị Hằng muốn khoe. Vậy là cùng hai lớp mới được mở, Học viện Quan hệ quốc tế Moskva sẽ có 3 lớp học tiếng Việt. 2 lớp năm nhất và 1 lớp năm thứ 4. Chị hy vọng những sinh viên năm cuối tốt nghiệp năm sau sẽ tiếp tục chương trình Thạc sĩ.

Chị Hằng xòe bàn tay đếm có đến gần chục cơ sở đào tạo tiếng Việt có tiếng ở Nga. Nhưng điều đáng tiếc là những ngôi trường đại học giảng dạy tiếng Việt truyền thống lại đang gặp khó khăn trong việc chiêu mộ sinh viên. Song, với những tín hiệu mới, trong đó có việc Học viện Quan hệ quốc tế Moskva mở thêm lớp, chị Hằng nhận định, số lượng người Nga có nhu cầu học tiếng Việt đang tăng lên.

Chị Hằng chia sẻ tiếp, trước đây, nhiều người Nga vẫn chỉ biết Việt Nam là một quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến. Khi vào trường, nhiều sinh viên không tự chọn học tiếng Việt. Mới đầu họ không thích, nhưng khi giảng dạy, các thầy, cô đã giải thích cho sinh viên rằng Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời, học tiếng Việt có nhiều cơ hội việc làm vì số lượng chuyên gia về Việt Nam còn hạn chế. Hơn nữa, theo chị Hằng, đa số người Nga sang Việt Nam đều rất thích. Cứ thế, dần dần, sinh viên ngày càng yêu quý tiếng Việt hơn.

Tín hiệu mới cho phong trào học tiếng Việt ở Nga ảnh 2
Chị Hằng chuẩn bị giáo án lên lớp.

Dù vậy, để thu hút số lượng lớn người Nga học tiếng Việt, giảng viên của Học viện Quan hệ quốc tế Moskva nhận định, vẫn cần nỗ lực quảng bá nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục cần định hướng việc làm cho sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việt Nam và Nga cần hợp tác để xây dựng các dự án đào tạo chuyên gia, cũng như chương trình thực tập hai phía, sau đó đề xuất việc làm. “Đó là trách nhiệm của cả hai nước”, chị Hằng nhấn mạnh.

Nhớ lại, hồi tháng 5/2022, khi Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức Ngày hội tiếng Việt, nhiều cuốn sách hay đã được giới thiệu. Trong dịp đó, chị Hằng cùng nhiều giáo viên khác đã mau mắn xin lại những cuốn giáo trình để phục vụ công tác dạy học.

Thiếu sách giáo khoa chính là một trong những khó khăn hiện nay tại nhiều cơ sở đào tạo tiếng Việt ở Nga. Nhiều nơi vẫn đang phải dùng sách giáo khoa cũ. Chị Hằng cũng phàn nàn về thiếu sách dịch thuật kinh tế hay một số lĩnh vực khác. Nhiều giáo viên người Nga muốn có sách giáo khoa mới, song không đủ thời gian để soạn.

“Chúng tôi rất muốn hợp tác với phía Việt Nam để soạn sách giáo khoa hay tài liệu giảng dạy. Chúng tôi cũng mong đợi tiếp tục có các sự kiện về văn hóa Việt Nam tại Nga, những hoạt động không chỉ dành cho người đã biết tiếng Việt, mà phải tìm cách để thu hút cả những người còn chưa biết nhiều về Việt Nam. Tôi cũng mong chờ nhiều hơn sự hợp tác giữa các trường trong trao đổi giáo viên, sinh viên, qua đó tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào học tiếng Việt tại Nga”, chị Hằng thổ lộ.

Nga đang tăng cường hợp tác sang hướng đông. Nếu muốn phát triển quan hệ với một quốc gia nào đó, thì việc có nhiều chuyên gia am hiểu ngôn ngữ và văn hóa của nước đó là rất quan trọng. Đó là điều chị Hằng và các thầy cô chắc chắn, và rất muốn các bạn sinh viên cũng hiểu rõ, để không nghi ngại khi chọn một ngôn ngữ mới.

Còn bản thân chị Hằng, năm nay sẽ là một năm bận rộn hơn, vất vả hơn. Nhưng được vất vả với sinh viên mới, với chị là hạnh phúc lớn…

Theo Trần Thanh Thế/Báo Nhân Dân