Bài toán đau đầu với không quân Mỹ

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:18, 05/09/2022

Không quân Mỹ đang phải đau đầu với bài toán thiếu hụt phi công quân sự và thực trạng này được dự báo có thể trở nên trầm trọng hơn trong tương lai.

Theo trang mạng Breaking Defense, mỗi năm, Lầu Năm Góc chi hàng tỷ USD cho việc nâng cấp các máy bay chiến đấu già cỗi, mua các máy bay chiến đấu mới và phát triển “những năng lực thế hệ tiếp theo tuyệt mật”.

Thế nhưng, trong một bài viết mới đây, các chuyên gia Bradley Bowman và Brian Leitzke tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (FDD)-một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại thủ đô Washington, cho rằng cần phải nỗ lực hơn nữa để bảo đảm không quân Mỹ có “nguồn cung đều đặn” các phi công quân sự bởi đây là vấn đề quan trọng bậc nhất đối với lực lượng này.

Một học viên phi công quân sự Mỹ cùng giáo viên hướng dẫn chuẩn bị cho một chuyến bay huấn luyện tại bang Texas, tháng 6-2018. Ảnh: Business Insider.

Theo bài viết, không quân Mỹ đang nỗ lực sở hữu đủ số lượng các loại máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo nhằm giúp bảo đảm giành chiến thắng nếu năng lực răn đe không đem lại kết quả trong trường hợp xảy ra xung đột với đối thủ trong những năm tới.

Vấn đề đặt ra ở đây là không quân Mỹ thường xuyên phải chật vật tìm cách làm sao “giữ chân” đủ số lượng phi công để lái các loại máy bay này. Trên thực tế, trong năm 2021, không quân Mỹ thiếu 1.650 phi công và tình trạng này nhiều khả năng sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Tình trạng thiếu hụt phi công quân sự không phải là câu chuyện mới của không quân Mỹ. Trong giai đoạn 2020-2021, không quân Mỹ còn giảm được tình trạng này hơn 14%. Mặc dù nhấn mạnh con số 14% “chắc chắn là đúng” và không quân Mỹ “xứng đáng được biểu dương” vì trong nhiều năm qua đã nỗ lực nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt phi công quân sự, các chuyên gia Bowman và Leitzke cho rằng không nên quá vui mừng.

Theo hai chuyên gia của FDD, tình trạng thiếu hụt phi công quân sự của không quân Mỹ giảm trong giai đoạn 2020-2021 một phần là do tác động của đại dịch Covid-19 đối với nhu cầu tuyển dụng của các hãng hàng không thương mại cũng như thị trường việc làm nói chung.

Điều đó “chắc chắn là động lực” để một bộ phận phi công quân sự vốn “muốn ra ngoài” tiếp tục ở lại phục vụ trong không quân Mỹ. Thế nhưng thực tế đã và đang thay đổi. Số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy từ nay cho đến năm 2030, ngành hàng không dân dụng nước này cần 14.500 phi công mới mỗi năm trong khi hằng năm, Mỹ cho “ra lò” chỉ 5.000-7.000 phi công thương mại. Tình trạng thiếu hụt đó sẽ buộc các hãng hàng không thương mại đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn hơn nhằm thu hút đội ngũ phi công quân sự của không quân Mỹ.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia Bowman và Leitzke cho rằng có hai biện pháp để không quân Mỹ giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu hụt phi công quân sự. Đó là đào tạo thêm các phi công quân sự mới và giữ chân thêm nhiều phi công dày dặn kinh nghiệm, trong đó biện pháp thứ hai nên được ưu tiên hơn. Lý do là vì đào tạo các phi công quân sự mới và trang bị cho họ đủ kinh nghiệm để có thể tác chiến hiệu quả hơn là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực.

Bài viết lấy dẫn chứng là trong tài khóa 2021, số lượng phi công quân sự mới “ra lò” của không quân Mỹ là 1.381 người, tăng so với con số 1.263 của tài khóa 2020. Nếu duy trì tốc độ đào tạo như vậy, phải hơn một thập niên nữa không quân Mỹ mới giải quyết được tình trạng thiếu hụt phi công quân sự hiện nay.

Đó là chưa kể tới việc những phi công quân sự mới này phải mất nhiều năm mới trở nên dày dặn kinh nghiệm. Ngoài ra, việc tăng cường cho “ra lò” các phi công quân sự mới lại tốn kém hơn nhiều so với giữ chân những phi công dày dặn kinh nghiệm. Một nghiên cứu hồi năm 2019 của Tổ chức phi lợi nhuận RAND có trụ sở tại California (Mỹ) cho thấy chi phí đào tạo dao động từ 5,6 triệu USD đối với một phi công lái máy bay tiêm kích F-16 đến 10,9 triệu USD đối với một phi công lái máy bay tiêm kích F-22. Trong một báo cáo gửi Đồi Capitol hồi năm 2019, chính không quân Mỹ cũng thừa nhận nếu chỉ tập trung vào đào tạo thêm các phi công quân sự mới thì không thể giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động của lực lượng này.

“Việc tăng cường những chính sách đãi ngộ một cách kịp thời và linh hoạt để giữ chân các phi công quân sự dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp giải quyết được vấn đề vốn đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và nhiều khả năng chỉ trở nên trầm trọng hơn nếu không có hành động cấp bách. Tất nhiên, giải pháp lý tưởng là vừa đào tạo thêm các phi công quân sự mới vừa giữ chân thêm nhiều phi công dày dặn kinh nghiệm”, các chuyên gia Bowman và Leitzke nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ