Tiền trọ tăng, công nhân thường xuyên đổi chỗ

Nhịp sống - Ngày đăng : 09:27, 05/09/2022

Hàng chục nghìn công nhân, người lao động tại TPHCM đang sống trong những căn nhà trọ chật hẹp, điều kiện không đảm bảo; nhiều người trong số họ phải liên tục thay đổi chỗ ở vì tiền thuê nhà trọ tăng mỗi năm.

Xem thêm: Không về quê dịp 2.9, công nhân đăng ký làm thêm bù đắp thu nhập

Tiền trọ tăng, công nhân thường xuyên đổi chỗ
Nhiều công nhân hiện vẫn phải sống trong nhà trọ chật hẹp. Ảnh: PN

Mong được an cư lạc nghiệp

Cũng như bao công nhân khác, anh Võ Hồng Mến, ngụ TP. Thủ Đức phải thuê nhà trọ để sinh sống khi rời quê lên TPHCM. Hơn 10 năm ở TPHCM, anh Mến đã nhiều lần thay đổi chỗ ở vì tiền thuê nhà trọ năm nào cũng tăng.

Với mức lương công nhân, trung bình từ 6-8 triệu đồng/tháng, nhưng phải chi tiêu nhiều thứ, việc tìm một căn nhà trọ giá rẻ để ở là điều mà hầu hết công nhân lựa chọn. Bởi lẽ, tiền ăn uống, đi lại, tiền học cho con... cũng đã “ngốn” hơn nửa số tiền lương nhận được, nếu thuê nhà trọ giá cao sẽ không đủ chi tiêu.

Mua được nhà ở xã hội là mong ước của anh Mến cũng như bao người. “Công nhân lên thành phố mười mấy năm rồi, nay ở chỗ này, mai ở chỗ kia vì chủ trọ tăng giá, lương của mình thì thấp nên không thể ở nhà trọ giá cao. Tôi rất mong chính quyền thành phố tạo điều kiện cho công nhân mua được nhà ở xã hội, để được an cư, người ta nói có an cư mới lạc nghiệp” - anh Mến, chia sẻ.

Cũng như anh Mến, chị Phương Thúy đến TPHCM đã 7 năm, nhưng cũng phải nhiều lần đổi nhà trọ vì chủ trọ tăng giá. “Thời điểm năm 2015, tôi thuê một căn nhà trọ tại Thủ Đức giá 1,2 triệu đồng, cứ sau 1 năm chủ trọ lại tăng thêm 100 nghìn đồng và đến thời điểm hiện tại thì khu vực tôi thuê trọ trước kia đã không còn mức giá đó. Tìm nhà trọ khác là giải pháp mà tôi buộc phải lựa chọn vì tiền lương công nhân thấp” - chị Thúy, chia sẻ.

Bao giờ công nhân được tiếp cận nhà ở xã hội?

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hiện TPHCM có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) có khoảng 285.000 công nhân, trong đó, có 06 KCN-KCX đã có nhà lưu trú công nhân. Nhưng chỉ có 15% công nhân được thuê nhà ở tại các nhà lưu trú này.

Trong giai đoạn 2015-2020, TPHCM thực hiện được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội (NOXH) đạt 75% kế hoạch, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của người có thu nhập trung bình, công nhân lao động và người nhập cư.

Trước tình trạng thiếu hụt NOXH, TPHCM đã đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án NOXH. Trước dịp lễ 2.9 năm nay, TPHCM đã động thổ 2 dự án NOXH, dự kiến sẽ cung cấp gần 1.500 căn NOXH cho công nhân, người thu nhập thấp. Cụ thể, dự án NOXH tại phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức cung cấp 764 căn nhà với diện tích linh hoạt từ 28-85m2. Dự án NOXH MR1 thuộc dự án KDC Tân Thuận Tây, được xây dựng trên khu đất rộng 6.994,3m2, nằm trong tổ hợp rộng 14,36ha thuộc dự án KDC Tân Thuận Tây, P.Bình Thuận và P.Tân Thuận Tây, Q.7. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp khoảng 712 căn hộ cho khoảng 1.400 người lao động có thu nhập trung bình.

Trước đó, cuối tháng 4.2022, TPHCM đã khởi công 3 dự án trên địa bàn H.Bình Chánh và TP.Thủ Đức, với hơn 2.000 căn NOXH, nhà lưu trú cho công nhân được xây dựng.

Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà, tương đương 35.000 căn NOXH. Từ năm 2006 đến 2020, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 31 dự án NOXH, với quy mô hơn 18.000 căn hộ.

Qua rà soát, hiện TPHCM có 33 dự án có 20% quỹ đất xây dựng NOXH với quy mô 70.000 căn. Trong số này, có 14 dự án đã hoàn tất công tác đền bù giải tỏa, nếu hoàn thành xây dựng sẽ cung ứng cho TPHCM từ 15.000 - 17.000 căn hộ NOXH. “Nếu chủ đầu tư chậm triển khai hoặc không triển khai, Sở sẽ kiến nghị thành phố thu hồi”, ông Trần Hoàng Quân nhấn mạnh.