Điểm tin kinh doanh 5/9: Kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục, dự báo vượt chỉ tiêu tăng trưởng
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 05/09/2022
- Áp giá trần dầu Nga, G7 kéo cả các nước OPEC vào cuộc chiến năng lượng
Các chuyên gia nhận định việc G7 áp giá trần dầu mỏ Nga sẽ phản tác dụng, thậm chí còn đẩy các nước OPEC vào tình thế phải tăng sản lượng để cạnh tranh với Moskva.
Các chuyên gia nhận định việc G7 áp giá trần dầu mỏ Nga sẽ gây phản tác dụng tương tự như các biện pháp trừng phạt trước đó từng áp lên Moskva.
Ngày 2/9, bộ trưởng tài chính các nước G7 (Nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển) đã đồng ý đưa ra mức áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 đối với dầu thô và 5/2/2023 đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu thô từ Nga.
Trong những tháng qua, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine đã đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao, khiến lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục ở một số quốc gia.
- Việt Nam xuất siêu 3 tỷ USD sang thị trường UAE
Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE trong 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3,3 tỷ USD.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE trong 8 tháng đầu năm có giảm nhẹ 5,63% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do xuất khẩu nhóm mặt hàng điện thoại di động và linh kiện giảm do thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào và giá chi phí đầu vào tăng cao.
Mặc dù vậy, các nhóm mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh như thủy sản, rau quả, tiêu, điều, gạo, da giày, may mặc, máy móc, thiết bị, phụ tùng…
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ước ghi nhận mức thặng dư thương mại rất lớn đối với UAE là 3 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu khí của Việt Nam sang UAE ước đạt 3 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ UAE ước đạt 300 triệu USD.
- Ninja Van ghi nhận thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng
Theo Báo cáo nghiên cứu về kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới mới được công bố gần đây của Công ty Bưu chính thương mại điện tử (e-logistics) Ninja Van, Việt Nam là quốc gia đứng đầu với số lượng mua hàng trực tuyến trung bình lên đến 104 đơn hàng/năm.
Đáng chú ý, 73% đáp viên cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử và 59% cho biết họ từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế.
Ninja Van cho biết Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines. Báo cáo cho thấy người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực ở nhiều chỉ số.
- Kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục, dự báo vượt chỉ tiêu tăng trưởng
Kinh tế 8 tháng năm 2022 tiếp tục đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Với đà này, GDP cả năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức cao, đạt hoặc vượt xa so với chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Quốc hội giao.
Kinh tế Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển ngoạn mục, trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, ấn tượng là lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Về ngành công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 tăng cao, ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,4%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2022 phục hồi ở hầu hết các ngành, đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và dần lấy lại quy mô so với năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần (tăng 6,7%). Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
- Giá thịt heo nhập rẻ bằng một nửa trong nước
Theo báo cáo về thị trường nông, lâm, thuỷ sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính riêng tháng 7, Việt Nam nhập hơn 10.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh, đông lạnh, trị giá gần 21,6 triệu USD. Lượng nhập khẩu và giá nhập (giá khai báo hải quan) đều giảm so với cùng kỳ 2021, lần lượt là 31,2% và 36,8%. Bình quân mỗi tấn thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá 2.153 USD một tấn, tương đương trên 50.000 đồng mỗi kg.
Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, lượng thịt heo được nhập về hơn 55.200 tấn, trị giá hơn 117 triệu USD. Mức này giảm trên 40% về lượng và gần một nửa giá so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu thịt chính của Việt Nam là Nga (26,7%), Brazil (37,5%), Đức (15,5%), Canada (10,2%)...
Tại thị trường trong nước, giá bán mỗi kg thịt heo đông lạnh nhập khẩu dao động 60.000-90.000 đồng một kg, tuỳ loại thịt ba rọi, sườn non... Mức giá này đắt gấp rưỡi giá nhập khẩu và thấp hơn một nửa so với giá thịt tươi trong nước. Chẳng hạn, mỗi kg ba rọi heo tại các chợ dao động 130.000-140.000 đồng; sườn thăn 140.000-150.000 đồng; chân giò 150.000 đồng...