Nợ ngân hàng quá hạn, đại gia phố núi vẫn cho người khác vay nghìn tỷ đồng
Bất động sản - Ngày đăng : 09:17, 04/09/2022
Tại báo cáo tài chính soát xét bán niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) vừa công bố, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Cụ thể sau 6 tháng năm 2022, Đức Long Gia Lai lỗ ròng 361 tỷ đồng, chủ yếu do phải trích lập dự phòng hơn 300 tỷ đồng với các khoản nợ phải thu quá hạn, khó đòi. Do đó, đến hết tháng 6, lỗ lũy kế của doanh nghiệp phố núi này đã lên tới hơn 1.200 tỷ đồng.
Tình hình tài chính doanh nghiệp này càng bi đát hơn khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, giá trị các khoản nợ phải trả, vay quá hạn thanh toán lên tới gần 1.900 tỷ đồng. Tổng cộng nợ vay hiện tại của Đức Long Gia Lai là hơn 3.000 tỷ đồng.
Trong khi gặp vấn đề về thanh toán nợ, chính Đức Long Gia Lai lại cho nhiều tổ chức, cá nhân vay tổng cộng gần 2.300 tỷ đồng. Các khoản cho vay này thậm chí không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3.
Giải trình với cổ đông, ban lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho biết việc cho vay với các tổ chức, cá nhân đúng theo quy định của pháp luật, điều lệ doanh nghiệp và nghị quyết đại hội đồng cổ đông.
Trong khi đó, về các khoản nợ quá hạn tại ngân hàng, khoản lỗ lũy kế lớn, đại diện doanh nghiệp thông tin đã có kế hoạch tập trung phối hợp với các tổ chức tín dụng, đưa ra nhiều phương án xử lý nợ, tìm đối tác tiếp tục chuyển nhượng các tài sản, dự án đang thế chấp để giảm dần dư nợ gốc.
Tập đoàn này cũng khẳng định đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo, tìm đối tác huy động nguồn vốn hoặc chuyển nhượng một phần các dự án này nhằm tất toán nợ gốc quá hạn ngân hàng chậm nhất đến cuối năm 2023 để được miễn toàn bộ lãi phát sinh, lãi phạt quá hạn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ổn định, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận hàng năm theo kế hoạch, do đó báo cáo tài chính vẫn được lập dựa trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
Xuất phát điểm là một xí nghiệp chế biến gỗ thành lập năm 1995 rồi phát triển thành tập đoàn đa ngành, hiện Đức Long Gia Lai hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản, cơ sở hạ tầng (dự án BOT, BT), sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của đại gia phố núi cũng xấu đi sau khi mở rộng dàn trải ra nhiều lĩnh vực kinh doanh. Năm 2020, công ty lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng, kéo theo khoản lỗ lũy kế đến nay vẫn chưa thể xử lý.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DLG hiện chỉ còn ở mức 4.000 đồng, giảm gần 60% từ đầu năm nay đến nay. Vốn hóa thị trường của Đức Long Gia Lai chỉ đạt gần 1.200 tỷ đồng dù quy mô tổng tài sản doanh nghiệp gần 7.000 tỷ đồng.
(Theo Dân Trí)