Cấp cứu trầm cảm ở TP.HCM

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:14, 04/09/2022

19h, chuông điện thoại tổng đài cấp cứu 115 TP.HCM reo. "Bệnh nhân nam, 30 tuổi, sống tại một chung cư đang lên cơn kích động, đập phá đồ đạc, chửi bới, đe dọa tính mạng người nhà", người gọi điện báo.

Bác sĩ Lê Bá Phước Nguyên, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM và ê-kip lên đường đến quận 11-địa chỉ được cung cấp. Qua điện thoại, anh hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách trấn an và đưa bệnh nhân vào một căn phòng trống trong thời gian chờ đợi.

“Phòng phải có cửa sổ quan sát, chị nhớ dọn dẹp dao, kéo, vật dụng sắc nhọn… Tất cả những thứ có thể biến thành vũ khí phải bỏ đi nhé!”, anh nói.

Khi đến hiện trường, người đàn ông 30 tuổi đang hoang tưởng, nghĩ có người ám hại mình, có thể tấn công người nhà bất kỳ lúc nào.

Anh Nguyên liên hệ ngay với Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Bác sĩ tâm thần nhận định, trường hợp này cần đưa đến viện gấp. Điều quan trọng là phải khống chế và tiêm thuốc an thần để giảm kích động.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tiến trong một lần cấp cứu cho bệnh nhân tâm thần kích động. Ảnh: BSCC

“Ê-kip cấp cứu không có quyền khống chế người bệnh nên chúng tôi điện thoại cho công an khu vực. Công an hướng dẫn tôi nên liên hệ bảo vệ chung cư trước vì công an đến sẽ chậm hơn. Đồng thời, chỉ thực hiện khống chế khi gia đình đồng ý.

Chúng tôi làm đúng theo hướng dẫn và nhờ quay clip lại toàn bộ quá trình trên, làm bằng chứng xác thực rằng người nhà đã đồng ý cho can thiệp”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của bảo vệ chung cư, ê-kip 115 thuận lợi tiêm thuốc an thần. Bác sĩ Nguyên cẩn thận kiểm tra cơ thể bệnh nhân xem có vết thương, trầy xước không. Sau khi đảm bảo an toàn, anh lên xe cùng bệnh nhân đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM trong đêm. Tại đó, bác sĩ trực đang chờ sẵn.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tiến, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho hay, đây là tình huống không hiếm gặp. Theo nguyên tắc, bệnh nhân kích động, phải được khống chế, tiêm an thần, đưa vào bệnh viện. “Đối với những trường hợp ngáo đá, hoang tưởng vì dùng ma túy, chúng tôi gần như không tiếp cận được, bắt buộc phải có lực lượng công an cưỡng chế”.

Khác với bệnh nhân bị kích động tâm thần, người bệnh trầm cảm lại cần sự thấu hiểu. Bác sĩ Huỳnh Văn Tiến từng nhận điện thoại về trường hợp một phụ nữ trầm cảm nặng từ áp lực gia đình.

“Khi đến hiện trường, chị ấy vừa khóc vừa hét: Giết tôi đi, đừng hành hạ tôi…rất ám ảnh”, bác sĩ Tiến nhớ lại. Tìm hiểu nhanh, anh được biết, bệnh nhân chỉ có 1 cô con gái mắc hội chứng Down. Gia đình chồng nặng nề chuyện sinh con trai nên chì chiết chị nhiều năm qua.

Đến một ngày, sự ức chế, trầm uất vỡ tung. Chị đập phá đồ đạc, gào thét, trốn vào phòng tắm và cố thủ. Nhận định nhanh tình hình, bác sĩ Tiến tách cha mẹ chồng và người chồng ra xa, tránh gây thêm kích động. Đồng thời, mời một người chị thân thiết với bệnh nhân đến khuyên nhủ.

Quả thực, bệnh nhân đã nghe lời, ổn định tâm lý, đồng ý đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM điều trị trầm cảm. Nhưng không phải lúc nào cấp cứu trầm cảm cũng thành công.

Cách đây 1 tháng, tổng đài 115 nhận điện báo có một phụ nữ 50 tuổi tự tử, với tiền sử trầm cảm. Người phụ nữ nhốt mình trong phòng, dùng dao gọt trái cây cắt trúng động mạch cảnh. Bà tử vong tại hiện trường.

Một phụ nữ nhảy múa trên nóc xe cấp cứu khoảng 1h sáng ở quận Phú Nhuận. Ảnh: BSCC

Theo thống kê sơ lược, trong tháng đầu tiên mô hình cấp cứu trầm cảm hoạt động, Trung tâm 115 TP.HCM đã tiếp nhận 25 cuộc gọi cần hỗ trợ, trong đó, có 10 ca cấp cứu và 15 cuộc gọi tư vấn. Các cuộc gọi tư vấn được chuyển đến bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP hỗ trợ.

Thực tế, nhiều năm qua, Trung tâm 115 đã tiếp cận các ca bệnh trầm cảm tự tử và rối loạn tâm thần. Do đó, kinh nghiệm xử trí là không ít. Tuy nhiên, để bệnh nhân được điều trị triệt để, phải nhờ đến các chuyên gia tâm thần với quy trình phối hợp chặt chẽ.

Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, mô hình “Cấp cứu trầm cảm” là một giải pháp nhân văn, kịp thời giúp người bệnh trầm cảm thể nặng có cơ hội và thời gian can thiệp, điều trị.

Ông xác nhận, hậu Covid-19, người bệnh đến khám vì những bất ổn tâm lý, tâm thần gia tăng rõ rệt. Dân số toàn cầu đối mặt với rối loạn lo âu, trầm cảm tăng từ 20-25% trong năm đầu tiên sau đại dịch.

"Tại TP.HCM, khi gặp trường hợp có ý định tự tử, người thân (hoặc bất kỳ ai) có thể gọi đến tổng đài Cấp cứu trầm cảm 115 và 19001267. Bác sĩ sẽ nhận định tình hình, cử ê-kip cấp cứu  đến hiện trường, bất kể ngày đêm. Người bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu can thiệp sớm, tuân thủ điều trị và giải quyết được gốc rễ nguyên nhân", bác sĩ Vũ Kim Hoàn chia sẻ.

TP.HCM có mạng lưới chăm sóc người bệnh tâm thần

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, mô hình thí điểm cấp cứu trầm cảm là mới với ngành y tế và TP nhưng đã triển khai ở nhiều quốc gia.

Bên cạnh triển khai mô hình này, TP cũng xây dựng mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần dựa vào động đồng.

Trong đó, Bệnh viện Tâm thần TP, 4 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi sẽ tiếp nhận và điều trị người bệnh có triệu chứng tâm thần. Các phòng khám tâm thần thuộc Trung tâm y tế tiếp nhận, chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần đã điều trị ổn định. Các trạm y tế chăm sóc người bệnh tâm thần ổn định và gia cấp phát thuốc cho một số trường hợp đặc biệt.