‘Nóng’ cuộc đua tiền điện tử của ngân hàng trung ương toàn cầu

Cuộc sống số - Ngày đăng : 09:50, 04/09/2022

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất nuôi tham vọng tiền điện tử. Thực tế, có những nước còn cấp tiến hơn cả Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Đồng nhân dân tệ điện tử (e-CNY) của Trung Quốc mở cửa cho người dùng quốc tế tại Olympics mùa đông 2022. Du khách có thể tải ứng dụng ví điện tử e-CNY trên cửa hàng App Store và Google Play, hoặc giữ tiền trên thẻ vật lý, vòng đeo tay. Trung Quốc nghiên cứu tiền điện tử từ năm 2014, thí điểm tại hơn 10 thành phố. Đến cuối năm 2021, đã có hơn 260 triệu người mở tài khoản e-CNY và tổng giao dịch đạt gần 90 tỷ NDT (14 tỷ USD).

Trung Quốc không phải nước đi đầu về tiền điện tử

e-CNY là một dạng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), vốn đang là xu thế trên toàn cầu. Dù có lợi thế so với nhiều quốc gia khác, Bắc Kinh lại không phải “anh cả” trong lĩnh vực CBDC. Vị trí đó thuộc về Bahamas, đất nước giới thiệu tiền điện tử tháng 10/2020. Phiên bản kỹ thuật số của đồng Bahamian Dollar (BSD) do Ngân hàng trung ương Bahamas phát hành, tương tự tiền giấy và tiền xu, có thể truy cập qua ứng dụng di động hoặc thẻ thanh toán vật lý. Ngân hàng trung ương Bahamas hi vọng tiền ảo sẽ nâng cao tính hiệu quả của hệ thống thanh toàn toàn quốc, giúp hạn chế rửa tiền, tiền giả.

‘Nóng’ cuộc đua tiền điện tử của ngân hàng trung ương toàn cầu-1

Tháng 10/2021, Nigeria là nước châu Phi đầu tiên ra mắt tiền điện tử, eNaira. eNaira dùng công nghệ blockchain tương tự Bitcoin nhưng khác biệt cơ bản là không phải tiền phi tập trung, mà do Ngân hàng trung ương Nigeria hậu thuẫn và phát hành. Các giao dịch bằng eNaira hoàn toàn có thể truy vết. Nigeria mong muốn tiền điện tử tạo điều kiện để nhận kiều hối.

Campuchia với dịch vụ chuyển tiền Bakong và các nước phía đông Caribe cũng nằm trong số những nước đi đầu về tiền điện tử. Khảo sát 65 ngân hàng trung ương của Ngân hàng Thanh toán quốc tế cho thấy 86% đang phát triển tiền kỹ thuật số, khoảng 14% ngân hàng đang chạy các dự án thử nghiệm.

Deutsche Bank tin rằng các ngân hàng trung ương nhiều khả năng phát hành CBDC trong 2 tới 3 năm nữa. Hầu hết đều đang tìm hiểu về loại tiền kỹ thuật số bán lẻ để công dân và tổ chức sử dụng. Bên cạnh đó, một số cũng nghiên cứu các dự án CBDC bán buôn để giao dịch liên ngân hàng.

‘Nóng’ cuộc đua tiền điện tử của ngân hàng trung ương toàn cầu

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã khởi động dự án đồng EUR kỹ thuật số vào tháng 7/2021. Dự án tiền ảo hiện đang trong "giai đoạn điều tra" kéo dài hai năm để nghiên cứu thiết kế, tính khả thi và tác động của đồng EUR kỹ thuật số trên thị trường.

Nhà phân tích Marion Laboure của Deutsche Bank viết trong một lưu ý cho khách hàng: “Các nền kinh tế tiên tiến phải vượt qua hai rào cản để người dân chấp nhận tiền tệ kỹ thuật số: lãi suất thấp hơn và các tiêu chuẩn văn hóa/quyền riêng tư”.

Còn nhiều rào cản đối với CBDC

Mục tiêu chính của CBDC là mang đến cho người dân, doanh nghiệp an toàn tài chính, sự linh hoạt, thuận tiện và dễ dàng sử dụng ở bất kỳ đâu. CBDC giảm các chi phí duy trì hệ thống tài chính phức tạp, giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới. Ngoài ra, CBDC cũng giảm nguy cơ khi mọi người sử dụng các loại tiền ảo phi tập trung như Bitcoin ngày nay. Những loại tiền này có tính biến động cao, liên tục thay đổi theo tình hình vĩ mô và tâm lý nhà đầu tư. Ngược lại, CBDC do nhà nước hỗ trợ và kiểm soát sẽ ổn định hơn.

Đầu năm nay, Ấn Độ cho biết họ sẽ giới thiệu một loại tiền kỹ thuật số trong năm tài chính 2023, bắt đầu vào tháng Tư. Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, tin rằng một “đồng rupee điện tử” sẽ sớm có trong ví của nhiều người bất cứ lúc nào. Theo ông, đối với nhiều đồng CBDC, thách thức lớn là sự thờ ơ của người dùng có mục đích. Những lợi ích mà CBDC mang lại cho người tiêu dùng ở các quốc gia đã có hệ thống thanh toán di động hiệu quả chưa rõ ràng.

Mỹ đã bị tụt hậu trong cuộc đua tiền tệ kỹ thuật số và vẫn đang tranh luận về việc có nên áp dụng đồng USD kỹ thuật số hay không. Cục Dự trữ Liên bang cùng Ngân hàng trung ương Mỹ đã phát hành nghiên cứu được chờ đợi từ lâu về đồng USD kỹ thuật số vào tháng 1. Nó khám phá những ưu và nhược điểm của tiền ảo, nhưng né tránh đưa ra kết luận.

Trong hệ thống tài chính truyền thống, ngân hàng trung ương sẽ phát hành tiền thông qua các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp của tiền điện tử, hầu hết các ngân hàng trung ương nghiên cứu kiến trúc kết hợp, pha trộn giữa phát hành 2 tầng và 1 tầng, trong đó, ngân hàng trung ương trực tiếp phát hành tiền điện tử cho người dùng. Người dân có thể muốn giữ tiền tại ngân hàng trung ương hơn là ngân hàng thương mại, rõ ràng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến ổn định tài chính và việc kinh doanh của họ.

Các ngân hàng trung ương đang tìm cách hạn chế tác động của tiền điện tử đến ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, Ngân hàng trung ương Nigeria đặt hạn mức số dư và giao dịch hàng ngày đối với việc chuyển tiền từ tiền gửi ngân hàng sang ví eNaira. Ngân hàng trung ương châu Âu cũng có xu hướng đặt giới hạn về lượng tiền kỹ thuật số mà một người nắm giữ.

Du Lam