TPHCM: Lo ngại làn sóng COVID-19 tăng sau lễ 2.9

Tin Y tế - Ngày đăng : 08:45, 03/09/2022

Kỳ nghỉ lễ 2.9, TPHCM đang đứng trước nguy cơ tăng số ca tử vong vì COVID-19 sau nhiều tháng không ghi nhận ca nào. Theo thống kê của TPHCM, hiện đang có 259 ca điều trị thở máy, trong vòng 7 ngày qua, trung bình có 74 ca nặng/ngày nhập viện.
TPHCM: Lo ngại làn sóng COVID-19 tăng sau lễ 2.9
Người dân TPHCM đi chơi lễ. Ảnh: Ngọc Lê

Lo ngại làn sóng dịch sau lễ 2.9

Dịp lễ 2.9 năm nay, người dân trên cả nước được nghỉ 4 ngày liên tục, vì thế mức độ giao thiệp của người dân rất lớn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng dịch.

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM - cũng nhận định, sau dịp nghỉ lễ, chắc chắn sẽ có làn sóng dịch mới do biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng cũ. Để bảo đảm an toàn khi vui chơi, PGS Dũng cho rằng, dù đã tiêm đủ hay chưa đủ vaccine COVID-19 thì mọi người vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc người lạ.

"Những kinh nghiệm ở nước ngoài cho thấy, hiện nay ca mắc COVID-19 vẫn còn cao như Nhật Bản, Indonesia. Khi ca mắc cao phải tái lập hoặc vận hành lại bệnh viện dã chiến. Điều này cũng tốn kém và nhiều mệt mỏi. Do đó, chủ động phòng tránh dịch bệnh sẽ bảo đảm không ảnh hưởng đến sản xuất hay sinh hoạt” - PGS Dũng nhấn mạnh.

Dưới góc độ điều trị, hiện nay các bệnh viện vẫn tăng cường bố trí nhân lực để chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tăng đột biến. Nhận định về sau lễ dịch có thể tăng, BS-CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho biết, trong cộng đồng mỗi ngày vẫn ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới và tử vong trong thời gian qua. Người dân cần ý thức hơn trong việc thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch cho bản thân và gia đình. Nếu có triệu chứng nghi ngờ cần đến bệnh viện để được phát hiện nhanh chóng, không nên có tâm lý chủ quan.

Hiện nay, tỉ lệ tiêm vaccine của TPHCM rất thấp. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố có 5 bệnh nhi đang điều trị COVID-19, nhưng đa phần không tiêm vaccine hoặc tiêm một mũi. Đáng chú ý có một ca suy hô hấp nặng và chưa tiêm mũi vaccine nào.

“Phụ huynh hiện nay đang có tâm lý chủ quan và không tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho con vì lo ngại tác dụng phụ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu tỉ lệ này chỉ chiếm 1-10% tác dụng phụ như đau nhức tại chỗ tiêm, mệt mỏi… trong vòng 24h đầu. Chúng tôi cũng lo ngại số ca tăng nên đã chủ động chuẩn bị 60 giường bệnh nặng, các khoa phòng có thể được trưng dụng lên đến hơn 200 giường” - bác sĩ Tiến chia sẻ thêm.

TPHCM bật nút cảnh báo ứng phó dịch COVID-19 sau lễ 2.9 

Với dân số hơn 10 triệu người, TPHCM đã có những kế hoạch nhằm ứng phó với tình huống xấu nhất xảy ra sau lễ. Đơn cử, thành phố đã kích hoạt lại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 khi số ca tăng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để kích hoạt và điều trị các bệnh nhân nặng được chuyển tới khi mắc COVID-19.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, tất cả bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh rà soát nguồn nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... Các bệnh viện củng cố khoa, đơn vị điều trị COVID-19 để sẵn sàng hoạt động khi có ca bệnh; tập huấn lại các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong môi trường bệnh viện, hướng dẫn điều trị cho nhân viên y tế.

Đồng thời, để tăng cường “lá chắn thép vaccine” trước đại dịch, TPHCM triển khai tiêm vaccine xuyên lễ; Tiếp tục kéo dài tháng cao điểm tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi đến hết ngày 30.9. Đồng thời, do thời gian gần đây tỉ lệ người lớn tuổi, có bệnh lý nền mắc COVID-19 và tử vong tăng cao, việc cần triển khai tiêm nhóm nguy cơ cao này rất cần thiết.

Tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn còn đáng lo; công tác diệt muỗi, lăng quăng chưa được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, công tác tiêm vaccine COVID-19 của thành phố luôn "đội sổ" so với cả nước về tỉ lệ tiêm chủng thấp, số ca mắc COVID-19 nhập viện tăng...

Nhắc lại đợt dịch COVID-19 bùng phát dữ dội vào tháng 7 và 8 năm ngoái, ông Dương Anh Đức yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc phòng chống dịch, nhất là trong bối cảnh có 4 ngày nghỉ lễ và sau đó là khai giảng năm học mới. "Không biết "sóng" to cỡ nào, nếu ngày hôm nay chúng ta không nỗ lực thì chắc chắn "sóng" sẽ rất lớn" - Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cảnh báo.

NGUYỄN LY