Món quà bất ngờ từ con trai cựu phi công Mỹ bị bắt ở Việt Nam

Đối ngoại - Ngày đăng : 01:00, 03/09/2022

50 năm sau ngày chiếc máy bay do Trung tá phi công Mỹ Walter Eugence Wilber cầm lái, bị quân và dân ta bắn hạ trên bầu trời huyện Thanh Chương (Nghệ An), người con trai của phi công đã trao tặng cho Bảo tàng Quân khu 4 những kỷ vật hiếm hoi.

Từ tư liệu từ Bảo tàng Quân khu 4 cho thấy, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch leo thang bắn phá, đồng thời muốn cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, không quân và hải quân Mỹ liên tục kéo dài chiến dịch oanh tạc từ 1964 – 1972.

Trong số những phi công thực hiện ném bom trên bầu trời khu vực miền Bắc nước ta năm đó có Trung tá phi công Walter Eugence Wilber.

Ngày 16/6/1968, sau khi bay vào vùng trời Nghệ An tiến hành ném bom tại một số vị trí trọng điểm của ta, máy bay do phi công Walter và Bernard Francis Rupinski điều khiển bị lưới phòng không của ta bắn cháy trên bầu trời huyện Đô Lương.

Anh Thomas đứng bên bức ảnh của cha mình – ông Walter Eugence Wilber - Ảnh Bảo tàng Quân khu 4

Ông Walter may mắn thoát chết trong gang tấc sau khi nhảy dù ra khỏi máy bay, rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên (huyện Thanh Chương), sau đó bị quân và dân ta bắt lại. Riêng phi công bay cùng đã tử nạn vì dù hỏng.

Là người đầu tiên bắt được Walter, ông Bùi Bác Văn (SN 1953, quê quán Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, nay sống ở TP Vinh) nhớ như in, vào khoảng 13h30 ngày 16/6/1968, ngay khi nghe loạt tiếng pháo cao xạ thì có tiếng nổ lớn.

"Từ trong nhà chạy ra tôi thấy một chiếc máy bay bốc cháy quay vòng trên bầu trời rồi có người bung dù. Tôi cầm theo cái đòn xóc (dùng gánh cỏ) chạy nhanh theo hướng dù bung để truy bắt lính Mỹ”, ông Văn nhớ lại.

Hơn 50 năm nhưng ông Văn vẫn nhớ như in câu chuyện bắt lính Mỹ. Ảnh: Trần Tuyên

Ngay khi Walter chạm đất, ông Văn nhanh chóng đánh hỏng chiếc bộ đàm, nhấn ngay xuống vũng bùn, cắt đứt liên lạc cứu viện rồi cùng ông Nguyễn Văn Thu và ông Nguyễn Văn Mợi (cùng SN 1951) khống chế người lính phi công Mỹ.

Phi công Walter bị 3 thanh niên bắt sống và giao cho huyện đội Thanh Chương. Sau đó được chuyển giam giữ tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội).

Tư liệu tại bảo tàng có ghi rõ, trong suốt thời gian gần 5 năm bị tạm giam tại Hỏa Lò (1968 - 1973), ông Walter nhận được sự đối xử nhân đạo, hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước ta. Từ đó, ông có những hành động tích cực nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa mà quân đội Mỹ thực hiện tại Việt Nam.

Chính ông Walter cũng thừa nhận rằng, trên thế giới có lẽ không nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở Việt Nam.

Anh Thomas, con trai cựu phi công Walter giúp bảo tàng tìm kiếm thông tin về chiếc máy bay ẩn số - Ảnh Đào Tuấn

Ngày 12/2/1973, Walter Eugence Wilber đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ theo tinh thần của Hiệp định Paris. Những kỷ vật trong thời gian bị giam giữ tại Hỏa Lò cũng được ông mang về Mỹ như để nhớ về một thời không thể nào quên trong cuộc đời mình.

Gắn kết tình hữu nghị

Ông Bùi Bác Văn kể, cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại trong ông Walter vết thương lớn cùng sự day dứt khôn nguôi. Sau gần 50 năm, ông vẫn đau đáu nỗi khát khao được trở lại chiến trường xưa. Nhưng vì lý do sức khoẻ, ông đã qua đời (năm 2015) khi chưa thể hoàn thành tâm nguyện của mình.

Đến năm 2015, con trai của Walter Eugence Wilber là Thomas Eugene Wilber đến Nghệ An theo tâm nguyện của cha, trở về nơi máy bay rơi, tìm kiếm những nhân chứng lịch sử năm đó.

Sau nhiều lần đến thăm, với sự giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt là Đại tá Nguyễn Công Thành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4, anh Thomas xác định được khu vực máy bay rơi, tìm được những người cần tìm kiếm.

Di vật gia đình ông Walter bàn giao cho bảo tàng - Ảnh Bảo tàng Quân khu 4

Thấu hiểu tình cảm của người dân Việt Nam, anh Thomas và gia đình đã quyết định tặng một số kỷ vật mà cha mình đưa về từ nhà tù Hỏa Lò, bàn giao lại cho Bảo tàng Quân khu 4.

Tất cả những kỷ vật đó được ông Walter giữ gìn hết sức cẩn thận, chúng gần như còn nguyên vẹn sau gần nửa thế kỷ. Đó là bộ quần áo ông được cấp phát tại nhà tù Hoả Lò, bộ quần áo lót cũng được ông giữ gìn cẩn thận, 2 bao thuốc lá còn nguyên chưa bóc tem…

Ông Thomas trở lại Nghệ An thăm gia đình ông Bùi Bác Văn năm 2015. Ảnh Đào Tuấn

Thông qua những lần trò chuyện, biết bảo tàng đang trưng bày một phần cánh máy bay được ngư dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) trục vớt dưới biển nhưng không có thông tin gì, ông Thomas ngỏ lời giúp đỡ.

Những hình ảnh về chiếc máy bay ẩn số nhanh chóng được gửi đến các cơ quan hàng không Mỹ và được xác định thuộc loại máy bay ném bom F8, được sử dụng tại Việt Nam trước năm 1975.

Chuyện về chiếc bình hoa

Một ngày vào đầu tháng 5/2015, khi đang làm việc trên tầng 2, ông Bùi Bác Văn nghe tiếng chuông reo trước cổng nhà. Ông Văn ngạc nhiên, chưa hiểu rõ chuyện gì khi thấy 3 người lạ xuất hiện trước cổng nhà, trong đó có 1 người đàn ông ngoại quốc.

Nghe phiên dịch được vài câu, ông Văn mới biết đây là con trai người lính phi công Mỹ năm xưa mình từng bắt giữ. Qua cuộc điện Facetime của Thomas, ông một lần nữa được gặp lại “người bạn cũ”.

Những cái ôm thắm thiết tình hữu nghị. Ảnh Đào Tuấn

Trong lần thứ 2 gặp lại Thomas, ông Văn trao lại một bộ phận của chiếc máy bay F4 năm xưa ông đã nhặt được sau 2 ngày bị bắn cháy. Đó chính là chiếc máy bay ông Walter điều khiển cách đây 47 năm.

“Thấy vật này giống bình hoa nên mỗi năm, vào dịp Tết đến, tôi mang ra để cắm hoa đào. Hết Tết tôi lại đem cất vào 1 góc nhà. Không hiểu sao mà 6 lần chuyển nhà, tôi vẫn giữ cái bình hoa đấy”, ông Văn mỉm cười nói.

Ông Văn trao lại một bộ phận chiếc máy bay F4 cho Thomas. Ảnh Bảo tàng Quân khu 4

Những giờ phút cuối đời, ông Walter Eugence Wilber căn dặn người thân hãy dùng di vật ấy để cắm những bông hoa đặt trên phần mộ của mình.

Trong hơn 20.000 di vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4, có những kỷ vật được những người lính ở bên kia chiến tuyến gửi lại. Việc trả lại kỷ vật chiến tranh cũng là một cách để họ giải thoát khỏi sự day dứt, ám ảnh về một cuộc chiến phi nghĩa, đồng thời cũng là cầu nối gắn kết tình hữu nghị giữa 2 quốc gia.

Trần Tuyên