3 kỹ năng sống cần thuộc nằm lòng trước khi tốt nghiệp trung học
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:35, 02/09/2022
Trong suốt 9 năm giảng dạy ở trường đại học, Rachel có từ 50-70 sinh viên mỗi học kỳ, hầu hết mới tốt nghiệp trung học.
Khi cô trò chuyện trực tiếp với tân sinh viên, nhiều em thú nhận luôn được bố mẹ hỗ trợ trong mọi việc. Khi nảy sinh vấn đề, phụ huynh hầu như luôn lường trước để can thiệp và quyết định kết quả.
Nhưng điều thú vị là không phải sinh viên nào cũng biết ơn tất cả “sự trợ giúp” đó, nhất là khi các em bắt đầu cảm thấy khó thích nghi với hoàn cảnh mới.
Là bà mẹ 4 con, Rachel muốn chia sẻ những gì mình đã rút ra được khi còn là giảng viên đại học với các phụ huynh khác. Dưới đây là 3 kỹ năng sống cần thiết mà cô tin rằng phụ huynh nên dạy con trước khi tốt nghiệp trung học và bước qua ngưỡng cửa đại học.
Kỹ năng giao tiếp rõ ràng và trung thực
Rachel đã chứng kiến rất nhiều sinh viên mất bình tĩnh khi xảy ra chuyện bất ngờ, nổi cơn thịnh nộ hoặc thực sự sụp đổ. Trong khi đó, giảng viên đại học không có thời gian và cũng không có nghĩa vụ uốn nắn hành vi của sinh viên.
"Khi con gặp khó khăn về bất cứ điều gì, bố mẹ hãy dạy con cách thông báo với người phụ trách. Yêu cầu con chủ động, trung thực, biết chịu trách nhiệm với những gì liên quan đến bản thân. Giữ bình tĩnh và thái độ lịch sự khi giao tiếp cũng rất quan trọng", cô chia sẻ.
Quan tâm đến vấn đề sức khỏe
Cụm từ “sinh viên năm nhất 15” (freshman 15) khá phổ biến ở Mỹ và Canada, chỉ việc nhiều sinh viên tăng 15 cân hoặc hơn trong học kỳ đầu tiên ở trường đại học. Không được phụ huynh chuẩn bị từng bữa ăn như trước, sinh viên có thể cảm thấy hoàn toàn tự do và thoải mái lựa chọn chế độ ăn uống kém lành mạnh.
Rất ít sinh viên của Rachel sử dụng phòng tập thể dục ở trường, điều này không chỉ liên quan đến vấn đề cân nặng mà còn gây căng thẳng do thiếu vận động. Một số học sinh mắc chứng rối loạn lo âu trong năm đầu đại học, do đó Rachel thường xuyên phải khuyên các em tìm kiếm sự hỗ trợ từ trung tâm dịch vụ sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, cô nghĩ phụ huynh nên dạy con các bài học về dinh dưỡng và sức khỏe từ sớm để tránh tình trạng đáng ngại này.
Cách quản lý tiền thông minh
Nhiều sinh viên nhanh chóng trở thành “con nợ” khi vừa rời xa vòng tay bố mẹ. Bị phấn khích bởi cảm giác tự do, sinh viên có thể không đưa ra quyết định tài chính tốt nhất. Sự ham vui và bốc đồng của tuổi trẻ cũng khiến các em gặp rắc rối với vấn đề tiền nong.
Theo Rachel, bố mẹ cần giúp con học cách lập kế hoạch ngân sách từ những năm trước đó. Hãy khuyến khích con theo dõi số tiền của mình, ghi chép chi tiêu và tìm cách xử lý rắc rối kịp thời. Trước khi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, con nên đề nghị được giúp đỡ.
Dạy con nắm bắt cơ hội kiếm tiền cũng là việc nên làm. Khi hiểu được kiếm tiền rất khó khăn, sinh viên có thể trân trọng đồng tiền và học cách chi tiêu hợp lý hơn.