Chuyển nhượng mùa hè 2022: Quyền lực của Premier League

Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 19:00, 02/09/2022

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2022 khép lại với việc có 8 trong 10 hợp đồng lớn nhất châu Âu thuộc về Premier League, và 5 trong số đó không được dự Champions League.

Ngày Alan Shearer, chân sút số một mọi thời đại Premier League (260 bàn), rời Blackburn để đến Newcastle United, ông nói lời chia tay với đội trưởng của mình, Tim Sherwood: "Cảm ơn vì tất cả. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trong thời khắc tuyệt vời nhất trong lịch sử để trở thành cầu thủ".

10.png
Premier League chuyển nhượng rầm rộ

Premier League hơn danh tiếng Champions League

Vụ chuyển nhượng Shearer, với giá 15 triệu bảng Anh thời điểm ấy (khoảng 35 triệu euro theo tỷ giá hiện nay), đã phá vỡ mọi kỷ lục. Đó là mùa hè năm 1996, khi Premier League hoạt động được 4 năm và đã tạo nên một cuộc cách mạng cho bóng đá Anh.

Ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2022 này, bóng đá Anh lại tăng trần. Hơn 2,237 tỷ euro (2,013 tỷ bảng; số liệu được transfermarkt cung cấp, chưa tính các điều khoản trả sau phụ thuộc theo thành tích hay số trận đấu) chi phí được dành cho 273 thương vụ kéo dài trong 3 tháng hè.

Tám trong số 10 câu lạc bộ châu Âu chi tiêu nhiều nhất trong khoảng thời vừa qua thuộc về bóng đá Anh. 5 trong số họ thậm chí còn chưa được dự Champions League: Nottingham Forest, MU, West Ham, Wolverhampton và Arsenal.

Những đội này chi nhiều hơn Real Madrid, nhà đương kim vô địch châu Âu (tổng cộng 80 triệu euro).

Newcastle, thuộc sở hữu của quỹ tài sản có chủ quyền của Saudi Arabia, đã trả 70 triệu euro cho Alexander Isak, tiền đạo người Thụy Điển đến từ Real Sociedad. Đây là mức chuyển nhượng cao thứ 5 ở Premier League mùa hè này.

Kỷ lục trong mùa hè thuộc về MU, khi chiêu mộ tiền đạo cánh Antony từ Ajax với giá 95 triệu euro. Sự ồn ào khác của "Quỷ đỏ" là hợp đồng với Casemiro (70,65 triệu euro trả ngay, 10 triệu euro trả sau).

hgr.png
Chelsea chi nhiều nhất mùa hè 2022

Chelsea trả cho Leicester số tiền 80 triệu euro để có Wesley Fofana, trung vệ 21 tuổi người Pháp. Trước đó, Darwin Nunez rời Benfica đến Liverpool với giá 75 triệu euro trả ngay, cộng 25 triệu theo các tùy chọn trả sau.

"Khi Premier League bước sang thập kỷ thứ tư (năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập), lợi thế của giải đấu lớn hơn bao giờ hết", Tim Bridge, chuyên gia của công ty tư vấn Deloitte, giải thích. "Các CLB Anh sớm thoát khỏi đại dịch với tình hình tài chính tốt hơn các đội châu Âu khác".

Bridge khẳng định: "Sự chênh lệch đó sẽ tiếp tục phát triển. Cán cân tài chính sẽ không đổi chiều, và điều đó chắc chắn khiến phần còn lại của châu Âu cảm thấy khó chịu".

Những lý do cho sự giàu có

Ước tính có 800 triệu người ở 188 quốc gia theo dõi các trận đấu Premier League trên màn hình tivi ở nhà. Các khoản thu từ khắp nơi trên thế giới vượt qua thị trường Anh trong tổng doanh thu.

Số lượng khán giả trung bình mỗi trận đấu Premier League mùa trước khoảng 40.000 người. Người ta ước tính rằng 20 CLB hàng đầu của anh sẽ chia sẻ hơn 12 tỷ euro trong ba năm tới từ việc bán các trận đấu.

hgtk.png
Antony đắt giá nhất mùa hè 2022, tính theo giá trả ngay

Ngay cả đội bóng kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 20 cũng được đảm bảo 116 triệu euro chỉ riêng bản quyền truyền hình.

Adriano Gallani, cựu Giám đốc điều hành AC Milan và hiện đang quản lý CLB Monza mới được thăng hạng, phàn nàn với Tuttosport cách nay một tháng: "Các đội Premier League nhận được nhiều hơn bốn lần so với bất kỳ CLB nào của Serie A".

Galliani, người bạn trung thành của Silvio Berlusconi, tiếp tục: "Monza nhận được 33 triệu euro từ bản quyền truyền hình. Bất kỳ đội bóng nào mới lên hạng ở Anh có ít nhất 160 triệu euro. Làm thế nào để ngăn chặn xu hướng này trong nền kinh tế thế giới? Cũng nên có một Brexit trong bóng đá".

Tình yêu, hay sự ám ảnh, dành cho Champions League và vinh quang của giải đấu từ những cầu thủ như Cristiano Ronaldo là điều hiếm thấy (anh muốn rời MU để được tiếp tục chơi bóng ở đấu trường danh giá nhất châu lục, nhưng không CLB nào đón nhận vì lương quá cao). Phần lớn các cầu thủ luôn đặt bất kỳ CLB nào ở Ngoại hạng Anh lên phía trước cơ hội tham dự đấu trường châu Âu, kể cả khu vực giữa bảng xếp hạng.

1assd.png

Matheus Nunes (45 triệu euro), thay vì cùng Sporting Lisbon tranh tài ở Champions League, lại chọn Wolverhampton, đội xếp thứ 3 từ dưới lên sau 5 vòng đầu tiên ở Premier League.

Trong lịch sử 30 năm Premier League, sự gia nhập của dòng vốn nước ngoài đã làm thay đổi cán cân cạnh tranh. Trong hầu hết các trường hợp, các cuộc đột kích nhằm mục đích tìm kiếm uy tín, danh tiếng và ảnh hưởng hơn là thành công về mặt thể thao, hoặc thậm chí là khoản thu tài chính.

Họ, những người chủ nước ngoài, mang theo những cuốn séc hào phóng đã nâng các CLB mà mình sở hữu lên thành ngôi sao, ít nhất là xét trên khía cạnh chuyển nhượng. Mohamed Al Fayed mua Fulham để có được quốc tịch Anh mà anh mong đợi từ lâu. Các hoàng thân UAE hay Saudi Arabia tiếp quản Man City hoặc Newcastle để tỏa sáng danh tiếng toàn cầu của họ...

hgte.png
Những hợp đồng đắt giá nhất mùa hè 2022

Tập đoàn dẫn đầu bởi Todd Boehly - quốc tịch Mỹ - đã mua lại Chelsea sau khi tài sản của Roman Abramovich tại Anh bị tịch thu, đến Premier League với một tâm lý khác. "Tầm nhìn của chúng tôi rất đơn giản: chúng tôi đầu tư vào những gì mọi người cần và những gì mọi người muốn", ông nói.

Boehly biến Chelsea thành một phần trong đế chế khổng lồ mà ông đầu tư, từ thể thao đến âm nhạc, bảo hiểm, tài chính, khách sạn... (tập đoàn của ông sở hữu khoảng 80 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau).

Những khoản đầu tư được đổi lại bằng lợi ích khổng lồ. Trong mùa giải 2020-21, Premier League có doanh thu 5,3 tỷ euro. La Liga, giải đấu chiến thắng 6 danh hiệu Champions League trong 9 mùa gần nhất (5 thuộc về Real Madrid, 1 của Barca) cách rất xa với khoảng 2,9 tỷ euro. Bundesliga đạt 2,94 tỷ euro. Doanh thu của Serie A khoảng 2,5 tỷ euro. Ligue 1 có 1,61 tỷ euro.

Các đội bóng Anh không ngừng chi tiêu cho những cầu thủ có khả năng cạnh tranh nhất thế giới. Họ điều chỉnh hoạt động để đáp ứng Quy chế công bằng tài chính của UEFA (không cho phép chênh lệch giữa chi phí và thu nhập của một CLB quá 100 triệu euro). Về các quy định mới, giới hạn số tiền được phép chi tiêu ở mức 70% doanh thu, cũng không phải vấn đề lớn.

Premier League vẫn đang đi một mình với tốc độ riêng, nhờ sức mạnh tài chính khó ai sánh bằng.

hgttrw.png