Tín hiệu Ukraine có thể dùng chiến thuật du kích đáp trả Nga ở Crimea
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:09, 02/09/2022
Theo Asia Times, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã thay thế chỉ huy hạm đội Biển Đen, chỉ 3 ngày sau khi căn cứ không quân Saki của nước này ở Crimea bị tấn công, trong bối cảnh Ukraine đang chuyển hướng sang giành lại các vùng lãnh thổ ở miền Nam, và đặc biệt là Crimea.
Trong khi đó, các máy bay Nga đang được chuyển đến các căn cứ sâu hơn bên trong bán đảo Crimea hoặc vào đất liền. Sevastopol, nơi đặt trụ sở chỉ huy hạm đội Biển Đen, đang trong tình trạng báo động cao. Ukraine đã đe dọa tấn công và phá hủy cây cầu nổi tiếng trên eo biển Kerch nối đất liền Nga với Crimea.
Và trong vòng chỉ 1 tuần (từ 9-16/8) đã xảy ra hai cuộc tấn công lớn nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Crimea, trong đó có vụ phá hủy kho chứa đạn dược và máy bay quân sự. Hơn 3.000 người phải sơ tán.
Về mặt chính thức, Ukraine bác bỏ liên quan tới các cuộc tấn công trên, nhưng ngày càng có các bằng chứng cho thấy các lực lượng đặc biệt Ukraine đứng sau các vụ việc này.
Crimea đã không còn an toàn
Crimea sáp nhập về Nga vào năm 2014 và trở thành địa điểm chiến lược hữu ích cho các cuộc tấn công trong cuộc xung đột Ukraine năm 2022.
Mặc dù Ukraine trước đó đã vạch kế hoạch giành lại toàn bộ lãnh thổ, nhưng việc Kiev thực hiện chiến lược phản công ở miền Nam có phần bất ngờ. Ukraine có các phương tiện để phòng thủ hiệu quả, nhưng hiện đang thiếu quân số và trang thiết bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn.
Ngoại trưởng Ukraine Oleksii Reznikov giải thích rằng, các kế hoạch bao gồm tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ do Nga kiểm soát (đặc biệt là Crimea) nhằm làm suy yếu năng lực của các lực lượng Nga trong việc trấn giữ tiền tuyến.
Các cuộc tấn công kiểu phá hoại ở Crimea được cho là do lực lượng kháng cự Ukraine thực hiện, nhắm vào các chiến đấu cơ và các kho chứa đạn dược của Nga.
Các nhà chức trách Nga thừa nhận rằng, bom, đạn được cất giữ tại căn cứ không quân Saki trên bờ biển phía tây Biển Đen của Crimea đã phát nổ hôm 16/8, nhưng không nhấn mạnh vụ việc này. Tuy nhiên, quan sát vệ tinh của các công ty độc lập cho thấy, 8 máy bay phản lực quân sự của Nga tại căn cứ đã bị phá hủy.
Các diễn biến trên là quan trọng vì một số lý do. Nó cho thấy cách Ukraine có thể triển khai lực lượng bên trong Crimea và có thể là các vùng lãnh thổ khác để tiến hành các cuộc tấn công kiểu du kích vào lực lượng Nga. Những hành động như vậy không thể đối phó bằng loại hình chiến tranh thông thường cường độ cao mà Nga đang sử dụng.
Ukraine không có tên lửa với tầm bắn có thể nhắm vào các căn cứ của Nga bên ngoài lãnh thổ do Ukraine kiểm soát, vì vậy đây là một chiến thuật mới. Nó có thể gây ra những hậu quả sâu rộng, vì Crimea giờ đây trở thành một vùng lãnh thổ không an toàn bị lôi kéo vào cuộc chiến, đe dọa vị thế thống trị của Nga ở miền Đông Ukraine.
Truyền thông Nga cũng hạ thấp các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea, đồng thời lên án chúng. Tuy nhiên, dường như giới chức Nga đang nhìn nhận vấn đề nghiêm trọng hơn. Họ hiểu rằng, an ninh của Crimea không còn được đảm bảo.
Rõ ràng, mục tiêu lớn hơn của Ukraine là đẩy Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ mà họ tuyên bố, bao gồm cả Crimea.
Vào ngày 19/3/2021, gần 1 năm trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã thông qua chiến lược giành lại Crimea và tái hòa nhập bán đảo với phần còn lại của đất nước. Nhưng vào thời điểm đó không có triển vọng về một chiến dịch quân sự để đạt được điều này.
Trong bối cảnh hiện nay, Ukraine cho rằng cần phải đẩy hoàn toàn lực lượng Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ trước khi có thể kết thúc xung đột.
Tuy nhiên, liệu chưa rõ mục tiêu này có thể đạt được hay không. Hiện cũng chưa rõ liệu Ukraine có thể tập hợp nguồn lực quân sự từ các đồng minh cho các hoạt động tấn công quy mô lớn có thể đẩy Nga ra khỏi khu vực Donbass và Crimea hay không.
Bài toán rất khó của Ukraine
Tình trạng của Crimea là xương sống tranh chấp giữa Nga và Ukraine kể từ khi Liên Xô tan rã, nhưng nó có một lịch sử lâu dài hơn nhiều.
Hải quân Nga dưới thời Nga hoàng Peter I đã xác định các bến cảng tự nhiên của Crimea trên Biển Đen là một tài sản chiến lược quan trọng. Dưới thời Liên Xô, Crimea là một phần của Nga cho đến khi nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev giao vùng lãnh thổ này cho Ukraine vào năm 1954.
Khi Liên Xô tan rã, biên giới của các quốc gia tách ra độc lập vẫn là biên giới của các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và do đó Crimea vẫn là một phần của Ukraine, nhưng ngay từ đầu đã có sự bất bình sâu sắc ở Nga. Điều này là do tầm quan trọng chiến lược của bán đảo này khi 60% dân số của Crimea là người dân tộc Nga.
Tuy nhiên, trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Nga và Mỹ cùng với các nước ký kết khác đã đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để Kiev cho phép loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ của mình
Nga đã tìm cách kiểm soát Ukraine gián tiếp thông qua mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Fedorovych Yanukovych. Nhưng sau các cuộc biểu tình lan rộng trên đường phố Maidan ở Kiev trong năm 2013 và việc từ bỏ kế hoạch xích lại gần EU, ông Yanukovych đã bị quốc hội phế truất và phải chạy trốn.
Vào tháng 2/2014, Tổng thống Putin khi đó quyết định sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trên bán đảo này.
Các nhà phân tích ở Ukraine và phương Tây hiện tin rằng, không có triển vọng ngay lập tức về việc Nga tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc về việc chấm dứt xung đột, bất chấp các vụ tấn công ở Crimea hiện nay.
Crimea có thể trở thành một trở ngại quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Theo thời gian, Ukraine có thể phải chịu áp lực lớn hơn nhiều từ các đồng minh để kết thúc cuộc xung đột kéo dài và chấp nhận nhượng bộ với thời gian ít hơn là giành lại toàn bộ lãnh thổ trước đây.
Vấn đề Crimea vẫn còn khó khăn vì nó có phần lớn dân số ở đây nói tiếng Nga. Kết quả cuối cùng sẽ không chỉ phụ thuộc vào chiến dịch quân sự, mà còn phụ thuộc vào thái độ của người dân ở mảnh đất tranh chấp này.